Cần "liều thuốc" kích thích hợp tác dược phẩm Ấn Độ và Việt Nam
"Chúng ta có lẽ cần kích thích các công ty dược phẩm của hai bên nhiều hơn để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại hai nước", theo ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam
Chia sẻ với VnEconomy, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho hay, đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm từ hai phía hiện nay còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và cần khuyến khích các công ty dược phẩm của hai bên nhiều hơn...
Mệnh danh là "Nhà thuốc của thế giới", Ấn Độ là nhà sản xuất thuốc gốc lớn nhất thế giới và là nước cung cấp 60% sản phẩm vắc xin trên toàn cầu. Xin ông cho biết rõ hơn về những thế mạnh của dược phẩm Ấn Độ mà các nước như Việt Nam có thể hợp tác đầu tư?
Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đóng góp lớn vào hệ thống chăm sóc y tế toàn cầu với thế mạnh cơ bản là nguồn nhân lực khoa học công nghệ lớn và năng lực nghiên cứu - phát triển (R&D) mạnh mẽ đã phát triển trong gần 50 năm qua. Các công ty dược phẩm của Ấn Độ ngày nay là một trong những công ty cạnh tranh nhất trong lĩnh vực thuốc gốc và vắc xin trên thế giới, ngay cả tại các quốc gia phát triển.
Ấn Độ cung cấp hơn 60% các loại vắc xin khác nhau trên toàn cầu, chiếm 20% lượng thuốc gốc xuất khẩu trên thế giới. Hơn 40% nhu cầu thuốc gốc ở Hoa Kỳ và 25% ở Anh là do Ấn Độ cung cấp. Hơn 80% các loại thuốc kháng virus được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh HIV-AIDS được sản xuất bởi các công ty dược phẩm của Ấn Độ. Rất có khả năng vào thời điểm này, ở một nơi nào đó trên thế giới, một đứa trẻ đang nhận một mũi tiêm vắc xin được sản xuất ở Ấn Độ. Các loại thuốc giá rẻ và chất lượng của Ấn Độ đặc biệt hữu ích với những nước đang phát triển, giảm gánh nặng chăm sóc y tế một cách hiệu quả hơn về mặt chi phí.
Tổng quy mô của ngành dược phẩm Ấn Độ ước tính vào khoảng 43 tỷ USD vào năm 2019 và có khả năng đạt 55 tỷ USD năm 2022. Hiện ngành này bao gồm 3.000 công ty dược phẩm và 10.500 đơn vị sản xuất, với số lượng các nhà máy đạt tiêu chuẩn của US-FDA nằm ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ lớn nhất. Ấn Độ còn có khoảng 1.400 nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn WHO-GMP và 253 nhà máy được Cục Quản lý chất lượng thuốc châu Âu (EDQM) cấp phép với công nghệ tiên tiến nhất. Ấn Độ là nước đóng góp lớn thứ hai về lực lượng lao động trong ngành công nghệ sinh học và dược phẩm toàn cầu. Với 100% vốn FDI được phép tham gia vào các dự án GI, ngành dược phẩm Ấn Độ đã tích lũy được khoảng 17 tỷ USD vốn FDI trong 10 năm qua và nằm trong số ít các lĩnh vực thu hút FDI hàng đầu ở Ấn Độ.
Là "Nhà thuốc của thế giới", Ấn Độ cũng đi đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19. Ấn Độ đã cung cấp các loại thuốc hỗ trợ để đối phó với đại dịch ở gần 150 quốc gia. Ấn Độ đã khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới từ trước đến nay trong lịch sử nhân loại với hai loại vắc xin "sản xuất tại Ấn Độ" để chống lại đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn đầu, 300 triệu người đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch đang được tiêm vắc xin. Vắc xin Covid-19 của Ấn Độ cũng đang được vận chuyển đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Sự hiện diện của các nhà đầu tư Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?
Những cơ hội mà ngành dược phẩm mang lại cho hai nước đã được ghi nhận trong "Tầm nhìn chung Ấn Độ - Việt Nam vì hòa bình, thịnh vượng và người dân" mà hai Thủ tướng thông qua tại Hội đàm cấp cao trực tuyến diễn ra vào ngày 21/12/2020.
Ngành dược phẩm luôn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ. Dược phẩm và hoạt dược là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Ấn Độ sang Việt Nam. Nhiều công ty dược phẩm Ấn Độ đã có mặt tại Việt Nam trong những năm qua và đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá nhờ các sản phẩm dược giá rẻ và hiệu quả cao. Nhiều bệnh viện, bác sĩ và người dân ở Việt Nam đã nói với chúng tôi về sự tin tưởng của họ đối với thuốc và vắc xin của Ấn Độ, trong đó nhiều loại thuốc có thể cứu mạng nhiều bệnh nhân mà giá cả rất hợp lý.
Việt Nam đang tập trung vào khuyến khích sản xuất thuốc trong nước cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm. Chúng tôi nhận thấy nhiều công ty Ấn Độ đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất dược phẩm ở Việt Nam để thu mua thuốc cho thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, một số công ty Ấn Độ cũng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Chúng tôi rất mong có thể tăng cường hơn nữa các mối quan hệ này.
Cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam, theo ông sẽ là gì?
Ấn Độ đã cho phép FDI lên tới 100% trong lĩnh vực dược phẩm thông qua lộ trình tự động đối với đầu tư GI và lên đến 74% đối với đầu tư BI. Quy trình phê duyệt FDI đang được tinh giản hơn nữa để tránh những sự trì trệ không cần thiết. Dược phẩm là một trong 8 lĩnh vực thu hút FDI hàng đầu của Ấn Độ. Với các sáng kiến xây dựng chính sách thuận lợi, những công ty dược phẩm hàng đầu Ấn Độ có thể huy động vốn cho các hoạt động mua bán và sáp nhập trên thị trường trong nước cũng như quốc tế để tăng danh mục sản phẩm của họ.
"Pharma Vision" (tạm dịch: Tầm nhìn ngành dược) đặt mục tiêu biến Ấn Độ trở thành một trung tâm lớn về quy trình khám phá thuốc đầu cuối. Ưu tiên của Ấn Độ còn bao gồm thúc đẩy khả năng nghiên cứu và đổi mới trong ngành công nghệ sinh học cũng như thúc đẩy sự phát triển của dược phẩm sinh học. Dự thảo Chính sách dược phẩm quốc gia đang được Chính phủ Ấn Độ xem xét nhằm duy trì các dược phẩm đạt tiêu chuẩn thế giới, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một ưu tiên khác là tạo môi trường tích cực cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực dược phẩm. Những sáng kiến này sẽ tạo cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm tại Ấn Độ.
Trong hội thảo về lĩnh vực dược phẩm mà Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức gần đây tại Hà Nội, nhiều công ty Việt Nam đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các công ty Ấn Độ để sản xuất dược phẩm. Chúng tôi muốn thấy những lợi ích này được chuyển hóa thành các hành động cụ thể và luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Hợp tác dược phẩm Ấn Độ - Việt Nam, theo ông, có gặp khó khăn, thách thức nào không?
Ngành dược phẩm là một trong những động lực chính trong tăng trưởng thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam trong gần hai thập kỷ qua. Việt Nam là thị trường tiêu thụ dược phẩm chính của Ấn Độ và hiện đứng thứ 19 trong số 25 thị trường xuất khẩu dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ. Tuy nhiên, vài năm gần đây đã có sự suy giảm trong lĩnh vực dược phẩm của thương mại song phương. Việc phân loại dựa vào vị trí địa lý trong chính sách mua sắm công của Việt Nam đối với dược phẩm có thể đã định hình xu hướng này. Đồng thời, đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm từ hai phía hiện nay còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.
Chúng ta có lẽ cần kích thích các công ty dược phẩm của hai bên nhiều hơn để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại hai nước bằng cách tận dụng các chế độ tự do hóa đầu tư. Chúng tôi rất mong được hợp tác với phía Việt Nam để giải quyết các vấn đề này và thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm.
Để thúc đẩy thương mại đối với các sản phẩm dược phẩm giữa Ấn Độ và Việt Nam trong thời gian tới, Việt Nam và Ấn Độ cần phải triển khai các giải pháp gì, thưa ông?
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, lĩnh vực chăm sóc y tế của Việt Nam cũng có khả năng mở rộng mạnh mẽ trong những năm tới, bao gồm cả nhu cầu về thuốc gốc, vì khả năng chi trả và khả năng tiếp cận đối với các loại thuốc được cấp bằng sáng chế có thể vẫn còn hạn chế.
Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp dược phẩm lớn nhất cho Việt Nam trong nhiều năm. Ngoài các loại thuốc thành phẩm, Ấn Độ còn cung cấp nguyên liệu đầu vào và nguyên liệu thuốc gốc cho thị trường Việt Nam. Đây là những mặt hàng có giá cả hợp lý và đáp ứng nhu cầu đa dạng của Việt Nam. Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đang tăng cường hơn nữa vị thế của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực thuốc gốc.
Một số sản phẩm được cấp bằng sáng chế hết hạn trong 10 năm tới sẽ mở rộng thêm lĩnh vực sản phẩm cho ngành dược Ấn Độ. Thuốc của Ấn Độ đặc biệt hữu ích cho các nước đang phát triển trong việc giảm chi phí chăm sóc y tế. Đây là lợi thế lớn nhất mà các công ty dược phẩm của Ấn Độ mang lại cho các nước đang phát triển. Do đó, có thể thấy Việt Nam có nhiều cơ hội để mua thuốc gốc từ Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, có những cơ hội quan trọng để quan hệ giữa các công ty dược phẩm của Ấn Độ và Việt Nam sâu sắc hơn. Chúng tôi đang cố gắng tăng cường hoạt động giao lưu doanh nghiệp để giúp cả hai bên xác định các mối quan hệ hợp tác và quan hệ đối tác trong tương lai, bao gồm cả đầu tư. Chúng tôi cũng sẽ cần các bước đi và chính sách thiết thực nhằm khuyến khích và hiện thực hóa các cơ hội mới nổi và giải quyết các vấn đề có khả năng nảy sinh.