Cân nhắc giữa giữ và thả nổi hạn mức tín dụng
Tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với 13 ngân hàng mới đây, có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên nới lỏng việc phân bổ hạn mức tín dụng để mở rộng hơn không gian kinh doanh cho các ngân hàng. Thực tế đến nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ “buông” hạn mức tín dụng đối với khoảng 5% thị phần và vẫn quản chặt 95%...
Hàng năm, vào đầu năm Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ thông qua chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trần tín dụng) cho cả năm. Có năm trần tín dụng là 12%, 13%; mấy năm gần đây được nâng lên 14 - 15%, theo định hướng linh hoạt hay theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm. Tuy nhiên, hiếm khi thấy linh hoạt tăng thêm 2 - 3%, dù nhu cầu thực về vốn tín dụng có thể cần đến mức như vậy.
PHÂN BỔ HẠN MỨC TÍN DỤNG NHIỀU VÀ ÍT
Các tổ chức tín dụng rất quan tâm tới việc phân bổ hạn mức tín dụng cho từng đơn vị. Mức tăng tín dụng cả năm ví dụ là 15% thì đó là con số chung cho cả hệ thống; trên thực tế, mỗi ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng khác nhau, không phải tất cả đều chạy chung một tốc độ, có đơn vị được tăng trưởng 15 - 20%, có đơn vị 10% hoặc thấp hơn, bù trừ cho nhau để đạt tỷ lệ chung 15%.
Ngày 31/12/2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 52/2018/TT-NHNN “Quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” với sáu tiêu chí: (i) vốn, (ii) chất lượng tài sản, (iii) quản trị điều hành, (iv) kết quả hoạt động kinh doanh, (v) khả năng thanh khoản và (vi) mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường, nhằm mục đích phân loại chất lượng hoạt động của từng tổ chức.
Dựa theo các tiêu chí này, các ngân hàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước chấm điểm xếp hạng như sau: tốt (A), khá (B), trung bình (C), yếu (D), yếu kém (E). Từ đây, Ngân hàng Nhà nước phân bổ hạn mức tín dụng theo hạng mà tổ chức tín dụng đạt được. Đó là lý do ở các báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết, luôn cho thấy ngân hàng này được tăng trưởng tín dụng ở mức 10%, nhưng ở ngân hàng khác thì lên tới 15%.
Việc phân bổ hạn mức tín dụng cho từng đơn vị không chỉ căn cứ vào kết quả xếp hạng theo Thông tư 52 mà còn phải xem xét quy mô hoạt động của từng tổ chức. Ví dụ, đối với “nhóm big4” Nhà nước chi phối vốn, dư nợ của một chi nhánh đứng đầu cũng gần bằng dư nợ của một ngân hàng nhỏ, nếu chỉ căn cứ vào kết quả xếp hạng thì hạn mức tín dụng của ngân hàng đó sẽ rất lớn và không còn khẩu phần cho các ngân hàng nhỏ hơn.
Có một điểm đáng lưu ý, kể từ khi Thông tư 52 ra đời, việc cấp hạn mức tín dụng trở nên minh bạch, thậm chí các ngân hàng tự chấm điểm cho mình. Điểm của từng chỉ tiêu định lượng tại 6 tiêu chí xếp hạng được tính theo các mức điểm 1, 2, 3, 4 hoặc 5; điểm của nhóm chỉ tiêu định lượng được tính theo các mức điểm từ 1 đến 5; trong đó mức điểm 5 là tốt nhất và mức điểm 1 là kém nhất. Dựa vào việc tự chấm điểm, các ngân hàng có thể biết năm nay được tăng trưởng tín dụng bao nhiêu phần trăm.
VIỆT NAM LIÊN TỤC ĐƯỢC CẢNH BÁO TÍN DỤNG TĂNG NÓNG
Từ năm 2017, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng khuyến cáo Việt Nam nên giữ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức 80% GDP. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tỷ lệ này không những không giảm mà còn tăng ở mức đáng báo động.
Liên tục khoảng 3 năm gần đây, trong các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đều cảnh báo Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng tín dụng đứng đầu thế giới.
Nếu như năm 2010, quy mô tín dụng toàn hệ thống chỉ trên 2,5 triệu tỷ đồng thì tính đến tháng 7/2024, con số này tăng lên trên 14,3 triệu tỷ đồng. Chỉ trong vòng 6 năm qua, quy mô tín dụng tăng gấp khoảng hai lần khi mà năm 2018, tổng tín dụng mới chỉ trên 7,2 triệu tỷ đồng.
Tại Nghị quyết số 108/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã xác định phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng 7%.
Để hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng thì phải bảo đảm được các kênh dẫn vốn: thứ nhất, kênh đầu tư của xã hội thông qua đầu tư, chi tiêu mua sắm, không cần vay ngân hàng; thứ hai, chi tiêu của Chính phủ; thứ ba, vay tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, còn một kênh nữa là từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước trước hết phải tham khảo số liệu dòng tiền từ ba kênh (đầu tư xã hội, chi tiêu Chính phủ và đầu tư trực tiếp nước ngoài), từ đó thông qua các thuật toán mô hình (hiện tại đang sử dụng mô hình toán kinh tế của IMF) để tính toán mỗi năm nền kinh tế sản xuất được bao nhiêu hàng thì cần bao nhiêu tiền, từ đó mở van tín dụng cho phù hợp.
Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng GDP là 6 - 6,5%, lạm phát từ 4 - 4,5%, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, mức tăng tín dụng 15% là vừa. Đây là con số ước tính từ đầu năm, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn khẳng định “linh hoạt” điều chỉnh dựa trên sự hấp thụ thực tế của nền kinh tế.
Trên thực tế, khi duy trì cơ chế này, ngoài mặt tích cực là điều tiết van tín dụng chuẩn xác, giữ được ổn định lạm phát và không để các tổ chức tín dụng vung tiền thiếu kiểm soát, nhất là đối với các ngân hàng có sân sau là bất động sản, từ đó dẫn đến bùng phát lạm phát và bong bóng bất động sản, chứng khoán như trước năm 2011.
Hiện nay có trên 100 tổ chức tín dụng, trong đó trên 30 ngân hàng thương mại, rất khác nhau về quy mô tổng tài sản, điểm tín nhiệm, nhu cầu vốn theo từng thời điểm trong năm. Thực tế cho thấy, ngân hàng A có thể tăng tín dụng đến mức 20% nhưng đặt trong tương quan mức tăng trần cả hệ thống 15% thì họ chỉ có thể được tăng ở mức 17% vì còn phải để dành cho các ngân hàng khác, như vậy, lập tức xuất hiện than phiền.
THẢ DẦN TỪNG BƯỚC
Ở góc độ quản lý, nếu thoả mãn nhu cầu tăng tín dụng cho tất cả ngân hàng đạt chuẩn thì nền kinh tế lại thừa tiền và tác động tiêu cực lên lạm phát. Tuy chưa thể thả nổi tăng trưởng tín dụng nhưng từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhóm ngân hàng nước ngoài tự xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dựa trên thang điểm của Thông tư 52; tuy nhiên nhóm này chỉ chiếm 2% thị phần tín dụng.
Tiếp đó, cuối tháng 8/2024, khi soát xét lại tăng trưởng dư nợ của từng đơn vị, Ngân hàng Nhà nước thấy có ngân hàng tăng nhanh, ngân hàng tăng chậm, thậm chí tăng trưởng âm. Nhà điều hành cũng tiếp tục thả hạn mức tín dụng đối với nhóm ngân hàng liên doanh có quy mô tổng tài sản dưới 50 nghìn tỷ đồng, công ty tài chính quy mô tài sản dưới 5 nghìn tỷ đồng, với điều kiện là không bị Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cảnh báo về an toàn hoạt động (nợ xấu, thanh khoản). Cộng dồn đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thả nổi hạn mức đối với 5% thị phần tín dụng.
Trả lời câu hỏi của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy rằng tại sao ngành ngân hàng đã có khá nhiều công cụ quản lý an toàn hệ thống tổ chức tín dụng nhưng vẫn chưa thể bỏ ngay việc quản lý trần và hạn mức (room) tín dụng, chuyên gia Ngân hàng Nhà nước cho rằng nếu thả nổi hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng tăng ảo cả nguồn lẫn tín dụng...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2024 phát hành ngày 30/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam