Cần những cái “bắt tay” để phát triển du lịch MICE tại Việt Nam

Tường Bách
Chia sẻ

Chính sách thị thực mới của Việt Nam, đặc biệt là thời hạn thị thực điện tử (e-visa) được nâng từ 30 lên 90 ngày với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn, đang tạo thuận lợi cho khách đoàn, khách MICE trong và ngoài nước...

Ảnh: Saigontourist
Ảnh: Saigontourist

Theo dữ liệu từ Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, MICE là thị trường đóng góp doanh thu cao nhất cho ngành du lịch. Năm 2019, thị trường MICE thu về trên toàn cầu 916 tỷ USD và dự kiến đạt 1.439 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2030, doanh thu dự kiến 1.780 tỷ USD. Châu Âu là thị trường MICE lớn nhất thế giới, trong khi châu Á đang ngày càng chú ý đến du lịch MICE.

LỢI THẾ CỦA VIỆT NAM

Khách MICE là những người được mời tham dự sự kiện du lịch do một đơn vị tổ chức. Chân dung khách MICE được phác họa trên toàn cầu thường là những khách VIP, có vị trí quan trọng, ảnh hưởng ở phạm vi rộng, thu nhập cao hoặc khả năng chi trả cao. Các cuộc hội thảo nằm trong chuyến du lịch MICE thường được tổ chức tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao và sử dụng các dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên, đây cũng là những khách hàng khắt khe, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao trong dịch vụ.

Tiến sĩ Lê Anh, Phó chủ tịch CLB MICE Việt Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) nhận định, trước đại dịch, Việt Nam nổi lên là điểm đến du lịch MICE hàng đầu khu vực. Theo ước tính của các doanh nghiệp trong nước, khách MICE ở các công ty lữ hành chiếm trung bình 15 - 20% tổng lượng khách và lên đến 60% tại một số đơn vị lớn trong những tháng cao điểm. Khách MICE châu Âu chiếm khoảng 20% và là dòng khách cao cấp, mức chi tiêu 700 - 1.000 USD một ngày, khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD một ngày. Đây là số tiền chi trả cao, khi trung bình chi tiêu của một khách du lịch đến Việt Nam trong 9 ngày là 1.200 USD, theo khảo sát của Cục Du lịch Quốc gia.

MICE là thị trường đóng góp doanh thu cao nhất cho ngành du lịch toàn cầu.
MICE là thị trường đóng góp doanh thu cao nhất cho ngành du lịch toàn cầu.

Theo đánh giá từ các chuyên gia du lịch, Việt Nam có lợi thế rất lớn để làm du lịch MICE như văn hóa bản sắc, ẩm thực phong phú, bờ biển dài và đẹp, cảnh quan thiên nhiên đa dạng và an toàn. Dù Singapore là thị trường hàng đầu về du lịch MICE tại Đông Nam Á, nơi này quá hiện đại, khách đến chủ yếu đi mua sắm. Trong khi đó khách MICE đang hướng tới các trải nghiệm tìm về nơi hoang sơ, gắn liền với thiên nhiên hoặc tìm hiểu cuộc sống, văn hóa địa phương sau khi các cuộc hội thảo kết thúc. Việt Nam có đầy đủ các ưu thế để đáp ứng nhu cầu đó của khách du lịch.

Ở góc độ doanh nghiệp, CEO Vietluxtour Hà Nội Lê Hạnh nhận xét sau dịch nền kinh tế các nước trên thế giới và Việt Nam khó khăn hơn. Khách thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn có doanh nghiệp dành ngân sách cho du lịch MICE. Do đó hậu Covid-19, Việt Nam vẫn có nhiều dư địa phát triển và cơ hội kiếm tiền từ dòng khách du lịch hạng sang này.

Bà Chung Thúy Châu, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt (Du lịch Việt) đánh giá, chính sách e-visa mới giúp việc xin visa khách đoàn dễ dàng hơn và chắc chắn sẽ thu hút lượng khách nhiều hơn, nhất là dịp cuối năm. Trong khi đó, ghi nhận trong quý 3/2023 tại Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist có sự tăng trưởng khá ấn tượng của loại hình du lịch MICE trong nước, với mức tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Cần những cái “bắt tay” để phát triển du lịch MICE tại Việt Nam - Ảnh 1

CẦN SỰ KẾT NỐI ĐỒNG BỘ

Nắm bắt xu hướng phát triển mạnh mẽ hậu đại dịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập VMC là tổ chức xã hội chuyên nghiệp và duy nhất về du lịch sự kiện tại Việt Nam. VMC hiện quy tụ gần 100 thành viên bao gồm các công ty chuyên tổ chức du lịch sự kiện, các nhà cung cấp ở quy mô lớn liên quan đến nghỉ dưỡng, ăn uống, vận chuyển, trang thiết bị phục vụ cho loại hình này trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Việc thành lập VMC được kỳ vọng giúp du lịch MICE của Việt Nam tăng tính chuyên nghiệp và đồng bộ hơn.

Tại tọa đàm “Du lịch MICE: Xu hướng và cơ hội”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định phát triển du lịch MICE không dễ vì nó đòi hỏi 2 yếu tố.

Thứ nhất là kỹ thuật, MICE đòi hỏi phải có hạ tầng đủ để tổ chức được sự kiện lớn hàng ngàn người.

Thứ 2 là công nghệ. Hiện ứng dụng 4.0 trong tất cả các lĩnh vực. Do đó MICE phải là người đi đầu ứng dụng công nghệ cao để đẩy hiệu quả của việc truyền thông trong du lịch MICE. Hai yếu tố này đòi hỏi phải có đầu tư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho rằng cần sớm có định hướng chiến lược cho phát triển MICE toàn ngành; cần sự kết nối đồng bộ, cần sự vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh thêm, ngoài những yếu tố trên, xét về tổng thể, vấn đề liên kết đang là điểm yếu của du lịch MICE Việt Nam. Đó là liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ, giữa các doanh nghiệp với các doanh nghiệp, giữa các địa phương với nhau.

Tại Hội nghị phát triển du lịch MICE và golf tại Hà Nội thuộc khuôn khổ Festival Thu Hà Nội 2023 mới đây, các đại biểu cũng cho rằng khó khăn hiện nay của du lịch MICE ở Hà Nội và các địa phương khác, là thiếu các địa điểm tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế hoặc có thể thu hút từ 1.000 khách trở lên. Các dịch vụ, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của dòng khách cao cấp này cũng còn nhiều hạn chế. Về dài hạn, cần có các chính sách vĩ mô, sự chỉ đạo, định hướng của Nhà nước và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh mong muốn thời gian tới sẽ có sự tham gia tích cực hơn từ các đơn vị lữ hành để kết nối các ngành dịch vụ, vận chuyển, điểm đến, sân golf... Việc kết hợp hai loại hình du lịch MICE và golf sẽ là lợi thế lớn giúp ngành du lịch xây dựng sản phẩm mới, tiềm năng có thể tạo nguồn thu du lịch lớn trong thời gian tới.

Để thu hút khách có trọng tâm, trọng điểm, theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, “các đơn vị lữ hành, cung ứng dịch vụ cần liên kết sâu hơn để tạo thành các hành trình riêng biệt, trong đó đáp ứng đầy đủ các dịch vụ, nhu cầu về du lịch”.

Cùng với đó, để du lịch MICE phát triển bền vững thì cần sự triển khai một cách đồng bộ các dịch vụ liên quan, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, thu hút đầu tư vào MICE, cần có chính sách tháo gỡ những điểm nghẽn để đẩy mạnh liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ, giữa Chính phủ, Bộ, Ngành với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp…

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con