Cần tăng cung nhà ở bình dân tại TP.HCM
Theo UBND TP.HCM, cần có điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung - cầu tại thị trường bất động sản thành phố, do hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc bất động sản cao cấp…
UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố quý 1/2022.
Theo đó, trong quý 1/2022, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án, với tổng số 1.172 căn nhà, giảm 84,6% so với qúy 4/2021, giảm 66% so với cùng kỳ quý 1/2021.
Thị trường phát triển chưa ổn định, nguồn cung dự án tăng - giảm không đều, hiện đang có xu thế lệch về phân khúc bất động sản cao cấp. Cần có điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung - cầu, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân cần phải điều chỉnh tăng nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số người dân.
Hiện nay, TP.HCM cơ bản đã khống chế được dịch bệnh Covid-19 và đã đạt mục tiêu phủ vaccine toàn dân. Nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát, kinh tế có thể giữ nhịp và phục hồi nhanh chóng, đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn sẽ dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư có thể tăng trở lại.
Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản.
Về lâu dài cần rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; sớm sửa đổi Luật Đất đai 2013 để tạo thuận lợi trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định quyền sử dụng đất xen cài, mở rộng hình thức cho vay vốn tại các ngân hàng thương mại để đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Chính phủ, Bộ Xây dựng, các cơ quan bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Cụ thể là bổ sung nhóm ngành bất động sản vào nhóm đối tượng được hoãn, giãn thời gian nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; xem xét cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại theo lộ trình; các ngân hàng có chính sách giãn tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý…
Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong các thủ tục về đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, đất đai, nhà ở.
Theo CBRE, trong quý 1/2022, trên thị trường bất động sản TP.HCM, phân khúc cao cấp tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu kể từ năm 2020 với tỷ trọng hơn 50% nguồn cung mới. Các phân khúc từ cao cấp trở lên mở rộng địa bàn hoạt động khiến căn hộ trung cấp và bình dân dần vắng bóng tại thị trường TP.HCM, buộc người mua nhà phải chấp nhận mức giá cao hơn hoặc chuyển hướng tìm kiếm sang các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và xa hơn.
Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp đạt mức 2.390 USD/m2, tăng 3,9% theo quý và 7,8% theo năm. Mức giá trung bình tiếp tục tăng do có sự chuyển dịch cơ cấu từ bình dân, trung cấp lên cao cấp và hạng sang.
Kết thúc quý 1/2022, lượng căn hộ tiêu thụ giảm 78% so với quý trước và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1.247 căn. Nguồn cung mới khan hiếm là nguyên nhân chính khiến số lượng căn hộ bán được giảm.
Còn theo Savills Việt Nam, các chủ đầu tư bất động sản đang đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay ngân hàng, bởi sự tăng cường hạn chế và giám sát nguồn vốn. Một số ngân hàng lớn như Sacombank, Agribank và Techcombank đã trì hoãn hoặc hạn chế cấp tín dụng bất động sản cho khách hàng vay vốn lớn, chỉ hỗ trợ người mua nhà ở thực.