Cần thiết hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định việc định kỳ 3 năm, Chính phủ sẽ thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội, dần thu hẹp khoảng cách của mức trợ cấp xã hội hiện còn thấp so với mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo...
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất đã quy định hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi trở lên, mở rộng phúc lợi an sinh cho nhóm người cao tuổi.
CÓ LỘ TRÌNH GIẢM TIẾP TUỔI HƯỞNG TRỢ CẤP HƯU TRÍ
Theo dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ.
Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết hưu trí xã hội là sàn an sinh xã hội tối thiểu, cho người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, được quy định phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
Việc hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết để thể chế hoá quan điểm được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW bao gồm: “mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân”; đến năm 2030 phấn đấu đạt “khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội”; và “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách”.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Đây là số người từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam. Trong đó, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội chỉ khoảng hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Như vậy, tại thời điểm thống kê vẫn còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội.
Về ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dễ gây tâm lý cho người lao động chủ quan cứ rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá vấn đề này về căn bản phải được khắc phục bằng nhiều giải pháp tổng thể, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đồng thời, dựa trên thực tế khoảng cách giữa mức lương hưu do đóng góp, tham gia bảo hiểm xã hội, với mức trợ cấp hưu trí xã hội cũng là để người lao động phải cân nhắc việc lựa chọn giữa hai chế độ này.
ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG
Ngoài hạ độ tuổi hưởng, dự thảo Luật cũng nêu rõ, mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trợ cấp hưu trí xã hội được kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Người cao tuổi.
Do vậy, mức hỗ trợ phải vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước, lại phải bảo đảm hài hòa với các chế độ của người tham gia bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng – hưởng. Chính vì vậy, tại thời điểm hiện nay mức trợ cấp này vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo quốc gia.
Mức trợ cấp xã hội đang ở mức 360.000 đồng/tháng, chỉ đạt 24% so với chuẩn nghèo khu vực nông thôn của giai đoạn 2021-2025, và 20% so với lương cơ sở (1,8 triệu đồng) từ 1/7/2023.
Hiện nay, ngân sách nhà nước chưa có đủ nguồn lực để quy định mức hỗ trợ này theo mức chuẩn nghèo, hoặc mức sống tối thiểu trong dự thảo Luật.
Vì thế, dự thảo Luật đã quy định việc định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội, báo cáo Quốc hội khi trình Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm.
Hiện dự thảo Luật đang quy định theo hướng, nguồn chi trả trợ cấp hưu trí xã hội cho nhóm đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước.
Nguồn chi trả trợ cấp hàng tháng cho nhóm đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, và chưa đủ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì do Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm, từ phần tiền do người lao động đã đóng góp vào Quỹ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã thiết kế liên kết tầng giữa chính sách hưu trí xã hội với hưu trí cơ bản, trợ cấp xã hội.
Theo đó, người dân có thể chọn hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong thời gian hưởng này thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...
Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý để thấy rõ hơn về mối quan hệ liên kết giữa các tầng bảo hiểm xã hội, nhằm để người tham gia thấy rõ lợi ích khi bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chính sách khi không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, trợ cấp hưu trí xã hội là một chính sách phúc lợi xã hội dành cho người cao tuổi, với nguồn bảo đảm từ ngân sách nhà nước, nhằm góp phần bảo đảm an sinh tuổi già, nên mọi người ở một độ tuổi nhất định cần được thụ hưởng như nhau.
Đồng thời, tôn trọng nguyện vọng của người thụ hưởng và người thụ hưởng, họ hoàn toàn có quyền từ chối nhận sự hỗ trợ này của nhà nước nếu không có nhu cầu.