Cẩn trọng với xu hướng rửa “tiền bẩn” bằng tiền ảo Bitcoin
Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, số lượng các vụ án về tội phạm có rủi ro về rửa tiền là rất lớn, bình quân trên 11.000 vụ/năm, nhiều vụ án số tiền chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỷ đồng...
Tại Hội thảo Quốc tế Phòng chống tội phạm rửa tiền (PCRT) diễn ra sáng 21/12, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết: Hiện mỗi ngày, Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận, phân tích, xử lý hàng nghìn báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Riêng đối với giao dịch đáng ngờ, từ năm 2013 đến tháng 9/2020, qua phân tích, đã xử lý trên 10.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ, Cục Phòng chống rửa tiền đã chuyển 857 vụ việc (liên quan đến 5.614 giao dịch) đến Cơ quan điều tra, cơ quan Thanh tra, Thuế, Hải quan để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, truy thu thuế và xử lý vi phạm.
Một thủ đoạn mới trong hoạt động rửa tiền hiện nay là bằng tiền ảo. Tiền ảo được phát hành bởi các tổ chức cá nhân, được công nhận giữa các thành viên trong một cộng đồng nhất định, được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.
Loại hình này đang tạo nên “cơn sốt’ trong giới đầu tư (trong đó có Việt Nam) và ngày càng có nhiều đồng tiền ảo mới ra đời. Hiện, Bitcoin là đồng tiền ảo được giới tội phạm ưa dùng để rửa tiền do khả năng vốn hóa lớn, tính thanh khoản nhanh.
Các chuyên gia ngân hàng, tài chính chia sẻ, hiện nay tội phạm thường dùng tiền do phạm pháp mà có để đầu tư (mua) các đồng tiền ảo được chào bán công khai tại các sàn giao dịch trên mạng Internet. Lúc này, “tiền bẩn” đã ẩn mình dưới vỏ bọc là tiền ảo. Sau đó, nhờ tính ẩn danh, lượng tiền ảo đó có thể bán cho người khác hoặc bán ngược trở lại thị trường trong các giao dịch hằng ngày.
Đặc biệt, với sự xuất hiện của những sàn giao dịch tiền ảo như hiện nay, việc chuyển đổi từ một đồng tiền này sang đồng tiền khác quá dễ dàng. Thông qua việc mua bán qua lại giữa những người giao dịch tiền ảo trên sàn mà nguồn gốc số tiền phạm pháp được “làm sạch”. Khi cần quy đổi thành tiền mặt, tội phạm có thể bán số tiền ảo đó cho người cùng tham gia giao dịch trên sàn hoặc bán ngay cho chủ sàn, đàng hoàng rút tiền thật ra để hòa nhập với thị trường tài chính.
Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, số lượng các vụ án về tội phạm có rủi ro về rửa tiền là rất lớn (bình quân trên 11.000 vụ/năm), nhiều vụ án số tiền chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Từ năm 2013 đến 2019, Cơ quan tố tụng đã khởi tố gần 10.000 vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ; tỷ lệ thu hồi đến 32,6%, có vụ thu hồi 100% như vụ AVG…