Cao su sơ chế “thất thế”
Xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ cao su liên tục tăng nhanh và hiện đã vượt qua giá trị xuất khẩu mủ cao su sơ chế. Năm 2020 xuất khẩu nhóm sản phẩm cao su chế biến sâu đạt trên 3,11 tỷ USD...
Ngành cao su có 3 nhóm sản phẩm đầu ra chủ lực, gồm: cao su thiên nhiên; sản phẩm cao su; gỗ cao su. Cả 3 nhóm mặt hàng này chủ yếu là để xuất khẩu, với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 7,9 tỷ USD trong năm 2020.
Ngày 27/4/2021, Hiệp hội Cao su Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest Trends tổ chức hội thảo trực tuyến Công bố Báo cáo toàn cảnh ngành cao su.
CAO SU THIÊN NHIÊN CHỈ CHIẾM 1/3 GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU
Bà Trần Thúy Hoa, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, trong năm 2020, giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt trên 2,38 tỷ USD, chiếm 30,3% trong tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su. Xuất khẩu nhóm sản phẩm cao su chế biến sâu đạt trên 3,11 tỷ USD trong năm 2020, chiếm 39,6% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Xuất khẩu các mặt hàng từ gỗ cao su đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 30,1% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành.
Kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su của Việt Nam tăng trong những năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu 2 nhóm mặt hàng này đạt trên 2,9 tỷ USD năm 2015, tăng mạnh vào năm 2019, đạt 4,7 tỷ USD và năm 2020, đạt gần 5,5 tỷ USD.
Trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng hàng năm về kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 9,3%, trong khi tăng trưởng của sản phẩm cao su cao hơn gần 2 lần, đạt 17,2%. Trong nhóm các mặt hàng cao su thiên nhiên xuất khẩu, cao su hỗn hợp là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất kể từ năm 2015.
Năm 2020, lượng cao su hỗn hợp xuất khẩu đạt 1.147.133 tấn, trị giá 1,57 tỷ USD, chiếm 65,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nhóm cao su thiên nhiên, tăng 25,5% về lượng và tăng 26,6% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2019. Nhóm mặt hàng này chủ yếu được xuất sang Trung Quốc.
Theo bà Hoa, Việt Nam có diện tích cao su đứng thứ năm trên thế giới nhưng sản lượng xếp thứ ba, chỉ sau Thái Lan và Indonesia. Hiện khoảng 78,4% lượng mủ khai thác trong nước được xuất khẩu dạng nguyên liệu cao su thiên nhiên, còn lại (21,6%) được đưa vào chế biến tạo sản phẩm như lốp xe, găng tay, phụ kiện, đế giày, băng tải…
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su chế biến sâu đã vượt xa kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên. Năm 2020 Việt Nam xuất khẩu 15 loại sản phẩm cao su tinh chế.
Trong đó, lốp xe có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng dẫn đầu, đạt 1,41 tỷ USD (chiếm 45,3%), tăng 17,7%. Linh kiện cao su kỹ thuật vẫn là mặt hàng thứ hai về giá trị xuất khẩu, đạt 536,1 triệu USD ( chiêm 17,2%) và tăng 17,1%.
Găng tay có mức tăng giá trị xuất khẩu rất ấn tượng, đạt 355,7 tỷ USD (chiếm 11,4%), tăng đến 243%, do nhu cầu thế giới gia tăng đột biến khi dịch bệnh Covid 19 vẫn còn nghiêm trọng. Đế giày tăng trưởng nhẹ với mức 1,7%, đạt 334,1 triệu USD (10,7%).
THAY ĐỔI ĐỂ TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH
Hiện nay, các thị trường được Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm cao su tinh chế lên tới khoảng 175 quốc gia và vẫn đang được tiếp tục mở rộng. Ngoài khu chế xuất tại Việt Nam có thị phần là 16,8%, thị trường được Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm cao su nhiều nhất là Hoa Kỳ, đạt 1,03 tỷ USD năm 2020, với thị phần là 33,2%, kế tiếp là thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đức nhưng có thị phần từ 3,8% đến 6,4% mỗi thị trường.
Hiện có khoảng 170 doanh nghiệp tham gia chế biến mủ cao su thiên nhiên tại Việt Nam với tổng công suất thiết kế khoảng 1,31 triệu tấn/năm. Trong số các doanh nghiệp tham gia khâu chế biến mủ cao su, khối tư nhân là 118 doanh nghiệp có công suất thiết kế đạt 64,0% tổng sản lượng; khối nhà nước có 48 doanh nghiệp với công suất thiết kế đạt 42,6% tổng sản lượng. Chỉ có 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 2 hợp tác xã tham gia chế biến mủ cao su với công suất thiết kế đạt lần lượt là 3,2% và 0,5% so với tổng sản lượng.
TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends:
Lượng cao su thu hoạch tiểu điền đã lớn hơn cao su đại điền, thì ngành cao su Việt Nam cần có những thay đổi trong tương lai để đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cao su thiên nhiên có 194 đơn vị. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân có 89 đơn vị, chiếm tỷ lệ cao nhất và đạt 81,2% về kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có 43 doanh nghiệp có nhà máy chế biến mủ, là nơi thu hút nguồn cung cao su của tiểu điền khá lớn.
Khối doanh nghiệp nhà nước có 21 đơn vị, trong đó, 19 đơn vị có chuỗi cung từ trồng đến chế biến mủ và xuất khẩu cao su.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 14 đơn vị, hoạt động tập trung là kinh doanh xuất khẩu. Nhóm doanh nghiệp khác tuy số lượng nhiều (67 đơn vị) nhưng kim ngạch xuất khẩu không lớn, phần lớn xuất khẩu với những lô hàng nhỏ.
Tham gia xuất khẩu các sản phẩm cao su tinh chế, đặc biệt là các sản phẩm quan trọng như lốp xe, linh kiện cao su, đế giày và găng tay, chủ yếu là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Đối với mặt hàng lốp xe, tổng số có 186 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu mặt hàng này, trong đó đông đảo nhất các doanh nghiệp tư nhân, tiếp đến là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, trong khâu xuất khẩu linh kiện cao su, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có số lượng lớn, tiếp đến là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Xu hướng này tương tự với nhóm doanh nghiệp tham gia khâu xuất khẩu đế giày cao su và găng tay.
Trong nhóm xuất khẩu găng tay, tuy chỉ có 1 doanh nghiệp nhà nước tham gia nhưng giá trị xuất khẩu đạt 22,8 triệu USD, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm này.
TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends nêu vấn đề, dù xuất khẩu cao su chế biến của Việt Nam ngày càng mở rộng ra nhiều thị trường khó tính và ở xa như châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, các thị trường này đang đòi hỏi sản phẩm cao su chế biến phải đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm hợp pháp là bắt buộc.
Với thực trạng hiện nay, lượng cao su thu hoạch tiểu điền đã lớn hơn cao su đại điền, thì ngành cao su Việt Nam cần có những thay đổi trong tương lai để đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Đó là, ngành cần minh bạch hóa về các chuỗi cung sản xuất. Các thông tin về các luồng cung nguyên liệu đầu vào, hoạt động trong các khâu của chuỗi, các quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động về các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, mức độ tuân thủ/bất tuân thủ của các bên liên quan tham gia vào các hoạt động… cần được tài liệu hóa.