Cao tốc khai thác gần 1 năm, nhà thầu vẫn chưa hoàn trả xong đường dân sinh
Phản hồi về công tác sửa chữa đường dân sinh của địa phương được sử dụng làm đường công vụ phục vụ thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện đã hoàn thành công tác sửa chữa 38/40 tuyến đường và đang sửa chữa 01 tuyến...
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản phản hồi kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức đầu năm 2024.
Theo phản ánh của UBND tỉnh Bình Thuận, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Bình Thuận đã được đưa vào khai thác, sử dụng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây từ ngày 29/4/2023 và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết ngày 19/5/2023 tạo điều kiện mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do đó, ngày 07/12/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 4806/UBND-ĐTQH đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo giải quyết vấn đề trên. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, một số đoạn tuyến đã được nhà thầu tập trung sửa chữa, hoàn trả.
"Tuy nhiên, còn tồn tại một số tuyến đường dân sinh phục vụ vận chuyển vật liệu thi công dự án cao tốc chưa được nhà thầu kịp thời sửa chữa, hoàn trả cho địa phương", UBND tỉnh Bình Thuận nêu rõ bất cập.
Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quan tâm, chỉ đạo các nhà thầu sửa chữa, hoàn trả cho địa phương các đoạn tuyến còn lại để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Phản hồi về công tác sửa chữa đường dân sinh của địa phương được sử dụng làm đường công vụ phục vụ thi công các dự án cao tốc thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành công tác sửa chữa theo đúng quy định trong hợp đồng, không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán 2024.
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thành công tác sửa chữa 38/40 tuyến đường và đang sửa chữa 01 tuyến.
Riêng tuyến Quốc lộ 1-Mỹ Thạnh (sửa chữa hỗ trợ địa phương) là tuyến đường do nhiều đơn vị cùng sử dụng, bao gồm nhà thầu thi công và một số doanh nghiệp địa phương.
Do đó, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận và các đơn vị có liên quan để xem xét phương án triển khai thực hiện.
Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư và nhà thầu thi công thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan sau khi Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận thống nhất phương án thực hiện.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, nối hai tỉnh Bình Thuận với Đồng Nai, trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài 47,5km, Đồng Nai dài 51,5km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng. Đây là dự án duy nhất trong giai đoạn này được đầu tư cấp đặc biệt với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mỗi bên 1 làn dừng khẩn cấp, bề rộng nền 25m, tốc độ thiết kế tối đa 120km/h. Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, bề rộng nền 32,25m.
Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km nằm trọn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, có điểm đầu ở xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong) và điểm cuối ở xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam). Tuyến được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020. Đến ngày 19/5/2023 đã đưa vào khai thác và khánh thành ngày 18/6/2023. Toàn tuyến được thiết kế giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 17m, vừa được nâng tốc độ tối đa lên 90km/h.
Tuy nhiên, còn nhiều hạng mục đang thi công ngổn ngang, hiện cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 200km cũng chưa có trạm dừng nghỉ.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư trạm dừng nghỉ cả 2 chiều, mỗi bên có diện tích khoảng 2ha, được đặt tại km47+500, thuộc địa phận xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (Bình Thuận), giáp ranh với Đồng Nai. Dự kiến quý 1/2024 sẽ khởi công xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Trạm dừng nghỉ sẽ có các hạng mục chính như: bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, trạm xăng và khu nghỉ ngơi…
Còn trên đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng có 2 điểm triển khai trạm dừng nghỉ tại km144+560 xã Phong Phú, huyện Tuy Phong và km205+602 xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, dự kiến đầu năm 2024 sẽ triển khai xây dựng.
Ngoài ra, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận cũng kiến nghị bổ sung khoảng 10km đường gom dân sinh do sau khi khai thác cao tốc do một số hộ dân gặp nhiều khó khăn khi đi lại.
Hiện các tuyến mới khai thác tuyến chính, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận gia hạn thời gian hoàn thành các hạng mục phụ trợ tới giữa năm 2024. Các đơn vị liên quan đã và đang tích cực phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh như giao cắt đồng mức ở lối ra vào nút giao; điểm ngập nước; đường gom dân sinh…