Cáp quang, mạng Internet "cao cấp" đã thành "bình dân"
Mạng Internet cáp quang đã trở thành một dịch vụ "bình dân" với mức giá chỉ tương đương giá dịch vụ ADSL
Từ một dịch vụ dành cho các khách hàng doanh nghiệp hay những khách hàng có thu nhập cao thì nay, mạng Internet cáp quang đã trở thành một dịch vụ "bình dân" với mức giá chỉ tương đương giá dịch vụ ADSL.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VinaPhone (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT) nói về chiến lược phát triển mạng Internet cáp quang của VNPT, với định hướng nâng cấp chất lượng dịch vụ, tăng cường bảo mật thông tin, qua đó giảm giá gián tiếp cho khách hàng và khẳng định hướng đi bền vững, dài hạn của nhà mạng này.
Thị trường Internet cáp quang của Việt Nam cạnh tranh khá khốc liệt, trong bối cảnh đó, VNPT đã đầu tư, triển khai xây dựng hạ tầng mạng lưới cáp quang của mình như thế nào, thưa ông?
Từ năm 2016, VNPT đã đầu tư 44 triệu USD cho tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất châu Á hiện nay là APG (Asia-Pacific Gateway). Việc đầu tư cho tuyến cáp quang này nhằm chấm dứt hiện tượng gián đoạn dịch vụ khi tuyến AAG (Asia America Gateway) gặp sự cố, đồng thời giúp tăng tốc độ kết nối Internet quốc tế cho người dùng trong nước.
APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tbps, nhanh gấp 20 lần tốc độ đường truyền Internet của cáp AAG. Ngoài ra, VNPT cũng đang đầu tư tuyến cáp AAE-1 (AAE1-Asia Africa Euro 1) nối các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi.
Ngoài ra, VNPT hiện đang quản lý trực tiếp trạm cập bờ của hai tuyến cáp quang biển lớn là SMW-3 và AAG; sở hữu hệ thống hai vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2 giúp VNPT bổ sung, tăng cường kết nối tới các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.
Như vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng hai tuyến cáp quang biển quốc tế mới, VNPT hiện là đơn vị có hạ tầng truyền dẫn mạnh nhất, hoàn chỉnh nhất, từ cáp quang biển, cáp đất liền đến vệ tinh.
Với hệ thống hạ tầng trong nước, năm 2018, VNPT đã và đang triển khai các dự án phát triển mạng băng rộng, mở rộng mạng MAN-E tại Hà Nội, Tp.HCM và 63 tỉnh thành trên cả nước; VNPT đã mở rộng mạng VN2, Bachbone, mạng truyền dẫn khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Ring Nam. Trang bị thiết bị OLT- GPON đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ Internet cáp quang tốc độ cao tới các vùng sâu, vùng xa trên cả nước.
Tất cả những nỗ lực trên của chúng tôi đều nhằm mục tiêu đảm bảo có một hạ tầng tốt nhất, đáp ứng tốt nhất chất lượng mạng lưới, dịch vụ do VNPT cung cấp tới khách hàng.
Hiện nay, khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông rất lo ngại về việc rò rỉ, mất cắp thông tin khi sử dụng mạng. Vậy trước mối lo ngại này, VNPT đã, đang "giải đáp" như thế nào?
Trong vấn đề đảm bảo an toàn thông tin mạng, VNPT luôn xác định đây một trong những ưu tiên hàng đầu. Quan điểm của VNPT là không chỉ đảm bảo an toàn cho nội bộ VNPT mà còn là đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng dịch vụ của VNPT.
VNPT cũng đã và đang đầu tư triển khai nhiều hệ thống kỹ thuật về an toàn thông tin: hệ thống giám sát các sự kiện an toàn thông tin SIEM, hệ thống hỗ trợ phát hiện phòng chống tấn công DDoS, hệ thống DNS Sinkhole...
Cùng với đó, nhiều quy trình về an toàn thông tin cũng được VNPT triển khai áp dụng một cách có hệ thống.
Hiện là nhà mạng với hàng chục triệu khách hàng di động, băng rộng; VNPT luôn ý thức được việc đảm bảo an toàn dữ liệu khách hàng là vấn đề sống còn; toàn bộ dữ liệu thông tin khách hàng lưu trữ Trung tâm dữ liệu của VNPT với tiêu chuẩn an toàn cao nhất; cơ sở dữ liệu khách hàng được quản lý và kiểm soát theo các quy trình chặt chẽ; các hệ thống cơ sở dữ liệu và ứng dụng được rà soát, đánh giá an toàn bảo mật định kỳ theo quy định của tập đoàn nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ rò rỉ dữ liệu.
Nhưng, như ông nói VNPT đầu tư rất mạnh cho hạ tầng mạng lưới, các hệ thống kỹ thuật, phần mềm, hệ thống giám sát để bảo an toàn thông tin cho khách hàng, trong khi đó mức giá lại tương đối thấp trên thị trường, như thế thì có mâu thuẫn với chiến lược phát triến bền vững, "đường dài" của VNPT không?
Trong công cuộc chạy đua giành thị phần, VNPT đã đưa ra các chính sách đặc biệt nhằm thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng trung thành. Với lợi thế của nhà có thế mạnh trên lĩnh vực cung cấp đa dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin trên nền băng rộng, VNPT đã chủ động thiết kế các gói cước tích hợp đa dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin trọn gói nhằm tiết kiệm chi phí cho khách hàng.
Đây chính là thế mạnh của VNPT mà không phải nhà mạng nào cũng có được.
Tuy nhiên, việc nâng cấp chất lượng dịch vụ mới chính là hướng đi dài hạn và là hình thức "giảm giá" gián tiếp cho khách hàng mà VNPT luôn chú trọng và đầu tư mạnh. Mới đây nhất, VNPT tiếp tục gây sức ép lên các đối thủ khác bằng việc thông báo tăng tốc độ các gói cáp quang lên 34% trong khi vẫn giữ nguyên giá cước tại hai thị trường lớn là Hà Nội và Tp.HCM.
Thời gian tới, VNPT cũng sẽ ra mắt dịch vụ băng rộng thế hệ mới với việc tăng cường tính bảo mật cho người dùng nhằm bảo vệ thông tin của khách hàng trước vấn nạn về tin tặc như hiện nay.
Theo số liệu báo cáo thống kê về mạng lưới và dịch vụ Internet của Cục Viễn thông VNPT hiện đang xếp thứ nhất về thị phần số thuê bao dịch vụ FTTH với 46,1% và thị phần số thuê bao băng rộng cố định là 45,7%, ông dự báo như thế nào về áp lực cạnh tranh, xu hướng phát triển của mạng cáp quang FTTH trong thời gian tới?
Hiện giờ, với những nỗ lực cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh của các doanh nghiệp, mạng cáp quang từ một dịch vụ dành cho các khách hàng doanh nghiệp hay những khách hàng có thu nhập cao thì nay đã trở thành một dịch vụ "bình dân" với mức giá chỉ tương đương giá dịch vụ ADSL trong khoảng từ 200- 350 nghìn đồng. \
Chắc chắn, trong thời gian tới, VNPT và các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ trên thị trường sẽ còn tiếp tục phải nghiên cứu và triển khai thêm nhiều dịch vụ, gói cước phù hợp hơn nữa dành cho khách hàng.
VNPT sẽ định vị như thế nào trong xu thế phát triển tất yếu này?
Với thương hiệu FiberVNN, dịch vụ Internet cáp quang của VNPT đã trở nên thân thuộc và là sự lựa chọn của nhiều khách hàng. Đặc biệt khi hàng loạt gói cước mới, ưu đãi, giá rẻ với chất lượng tốt được tung ra thị trường. VNPT đã nỗ lực nghiên cứu, xây dựng và cung cấp ra thị trường các gói cước linh hoạt được điều chỉnh theo sự cạnh tranh của từng thị trường cùng với chính sách chăm sóc khách hàng hợp lý.
Gần đây nhất, bên cạnh nỗ lực để khách hàng của VNPT ngoài việc được xem trọn vẹn tất cả các trận đấu trực tiếp World Cup 2018 qua truyền hình, VNPT còn đem tới cơ hội trải nghiệm hình ảnh, âm thanh sắc nét của các trận cầu với tốc độ đường truyền "siêu tốc" của Internet cáp quang FiberVNN trên tất cả các thiết bị công nghệ có kết nối Internet.
Với phương châm "Chất lượng dịch vụ tiên phong", trong thời gian qua dịch vụ Internet cáp quang FiberVNN đã được nâng cấp toàn diện về tốc độ truy cập. Khách hàng của VNPT có thể xem các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018 trên tất cả các phương tiện, thiết bị công nghệ có kết nối Internet tốc độ cao của VNPT.
Quan điểm của VNPT khi phát triển dịch vụ Internet nói cung và dịch vụ Internet cáp quang nói riêng là phải đáp ứng được cả 3 tiêu chí khách hàng cần là "chất lượng tốt, giá thành rẻ và thời gian cung cấp nhanh chóng". Có như vậy mới thực sự phát bền vững, khách hàng, thuê bao mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.