Cầu đỡ hàng bắt đáy, VN-Index vừa đủ điểm trên tham chiếu, vốn ngoại cũng lướt
Trong khi thị trường chờ đợi một đợt xả hàng mạnh chiều nay khi cổ phiếu bắt đáy giá rẻ nhất về tài khoản thì lực cầu lại dâng cao và kéo ngược giá phục hồi. Tuy không đủ mạnh để bứt phá, nhưng VN-Index vẫn có 0,07 điểm, vừa đủ để trên tham chiếu...
Trong khi thị trường chờ đợi một đợt xả hàng mạnh chiều nay khi cổ phiếu bắt đáy giá rẻ nhất về tài khoản thì lực cầu lại dâng cao và kéo ngược giá phục hồi. Tuy không đủ mạnh để bứt phá, nhưng VN-Index vẫn có 0,07 điểm, vừa đủ để trên tham chiếu.
Độ rộng cải thiện đáng kể so với phiên sáng là bằng chứng rõ nhất của lực mua giá cao xuất hiện chiều nay. Cuối phiên sáng VN-Index chỉ có 97 mã tăng/310 mã giảm, nhưng kết phiên chiều là 268 mã tăng/176 mã giảm. Số mã kịch trần cũng từ 12 tăng lên 56.
Chiều nay có khối lượng cổ phiếu rất lớn về tài khoản, gần như tất cả đều lãi đậm. Vì vậy nếu áp lực bán ra xuất hiện thì cũng là bình thường. Tổng giá trị khớp lệnh chiều nay trên hai sàn niêm yết đạt 7.978 tỷ đồng, tăng 74% so với phiên sáng. Tính chung cả ngày, giao dịch hai sàn đạt 12.506 tỷ đồng khớp lệnh, không chênh lệch bao nhiêu so với mức 13.416 tỷ đồng của ngày 16/11 vừa qua.
Tín hiệu bất ngờ duy nhất là khối ngoại cũng chăm lướt sóng, chiều nay xả khá lớn với 1.438,8 tỷ đồng, đẩy tổng giá trị bán ra cả ngày tới 2.176,2 tỷ đồng, chiếm gần 16% tổng giao dịch của sàn HoSE. Phía mua cũng vẫn mạnh với 2.141,2 tỷ đồng, tương ứng mức bán ròng nhẹ gần 35 tỷ.
HPG vẫn được khối này mua nhiều nhất với 38,8 triệu cổ tương đương 39% tổng thanh khoản. Phía bán ra cũng tới 25,1 triệu cổ. Mức ròng đạt +204,1 tỷ đồng. Giao dịch cực mạnh của khối ngoại khiến HPG lập kỷ lục thanh khoản hôm nay với gần 99,7 triệu cổ tương đương 1.485,6 tỷ đồng. Chỉ trong 5 phiên gần nhất, HPG đem lại biên lợi nhuận tới 23,8% nên thanh khoản đột biến là bình thường. Ấn tượng hơn chính là vẫn có dòng tiền khổng lồ vào mua và giá cuối phiên vẫn tăng 5,96% so với tham chiếu.
Thực ra cả nhóm cổ phiếu thép và vật liệu xây dựng hôm nay đều mạnh. HSG, NKG còn tăng kịch trần, TVN tăng 9,3%, POM tăng 4,77%, VGS tăng 9,33%, TLH tăng 6,61%...Chỉ số đại diện nhóm vật liệu ở HoSE VNMAT tăng tới 4,28%, mạnh nhất trong các chỉ số ngành. Nguyên nhân là không chỉ thép, mà còn những mã như PHR tăng 5,11%, GVR tăng 6,58%, NNC tăng 4,89%, DHA tăng 4,25%...
Nhóm cổ phiếu tài chính phân hóa khá nhiều. Chứng khoán có 7 mã trần và cả chục mã khác tăng trên 2% nhưng cũng vẫn còn nhiều mã đỏ như IVS, VDS, VCI, TVS... Ngân hàng có EIB kịch trần, LPB, PGB, NVB, VBB, SGB tăng trên 2% nhưng TCB, TPB, CTG, HDB cũng giảm hơn 1%.
Nhóm bất động sản có các mã lớn khác đuối như NVL, PDR vẫn đang sàn, VRE, BCM, CKG giảm hơn 2%, nhưng hàng chục mã nhỏ kịch trần như CLG, CEO, HDC, ITC, TDH, NLG, HAG, QCG, DRH, DXS, LDG, DXG...
Nhìn chung với biên độ tăng giá vẫn mạnh, dù chỉ số VN-Index bị giằng co ở các trụ lớn thì thị trường vẫn thể hiện một trạng thái giao dịch tích cực. Điều quan trọng đối với nhà đầu tư là danh mục tăng, cổ phiếu của mình tăng, chứ không phải là VN-Index bao nhiêu điểm. VN30-Index hôm nay cũng chỉ vừa kịp tăng 0,02% lúc đóng cửa với độ rộng cân bằng 13 mã tăng/13 mã giảm. GAS, NVL, MSN, SAB, BCM là 5 mã khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất, trong khi HPG, VIC, GVR, VNM và EIB là 5 mã kéo hàng đầu.
Điểm tăng không đáng kể, nhưng thị trường vẫn có phiên xanh thứ 3 liên tiếp là một tín hiệu tốt. Tốt hơn là nhà đầu tư đã không quá lo ngại về áp lực ngắn hạn và dòng tiền vẫn đổ vào khá mạnh. Trung bình mức khớp lệnh hai sàn HoSE và HNX tuần này đạt 10.615 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với trung bình tuần trước. Đây cũng là thanh khoản bình quân tuần cao nhất trong 6 tuần vừa qua.