Cầu vượt Ngã ba Huế, Đà Nẵng: Vướng mắc thanh toán dự án BT, nhà đầu tư "còng lưng" gánh lãi vay
Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế tại Đà Nẵng hơn 2.000 tỷ đồng được đưa vào sử dụng từ năm 2015. Tuy nhiên, do vướng mắc, tồn tại của các dự án BT nên nhà đầu tư vẫn chưa được thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành và tiếp tục còng lưng gánh lãi ngân hàng...
Cử tri thành phố Đà Nẵng phản ánh, công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế thuộc thành phố Đà Nẵng đến nay đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng vẫn chưa thanh toán hết cho doanh nghiệp.
Số nợ vay của dự án tiếp tục phát sinh thêm lãi suất gây ra rất nhiều khó khăn, tổn thất cho doanh nghiệp. Do đó, cử tri thành phố kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xem xét, giải quyết dứt điểm.
Hồi đáp kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng do UBND thành phố Đà Nẵng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo theo hình thức hợp đồng BT, với cơ chế Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án bằng tiền sau khi hoàn thành việc xây dựng, chuyển giao.
"Đến nay, dự án đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng và đang trong giai đoạn thanh toán, quyết toán bằng tiền giá trị công trình BT theo hợp đồng dự án đã ký kết và các quy định của pháp luật liên quan", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
"Đây là các tồn tại, vướng mắc chung của các dự án BT thanh toán bằng tiền khi giải ngân các khoản chi không có trong tổng mức đầu tư của dự án trên phạm vi cả nước, chứ không chỉ riêng dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng".
Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc thanh toán, quyết toán bằng tiền giá trị công trình BT, do các quy định của pháp luật chưa có sự đồng bộ, thống nhất dẫn đến một số tồn tại, vướng mắc khi thực hiện thanh toán, quyết toán các khoản chi phí phát sinh sau giai đoạn xây dựng không có trong tổng mức đầu tư của dự án như: lợi nhuận của nhà đầu tư, lãi vay trong thời gian chờ thanh toán...
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao việc xử lý các tồn tại, vướng mắc của các dự án BT.
Tại Thông báo số 477/TB-VPCP ngày 20/11/2023 của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải pháp để bổ sung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là phải sửa đổi ngay các Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ.
"Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định về đầu tư PPP, trong đó có nội dung liên quan đến xử lý các tồn tại về thanh, quyết toán của dự án BT. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét trong quý 2/2024", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan, ban ngành trong quá trình xây dựng Nghị định, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2011, loại hợp đồng BT, tổng mức đầu tư 2.050,787 tỷ đồng, trong đó có 80 tỷ đồng vốn từ ngân sách TP. Đà Nẵng hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, cấp thẩm quyền ký hợp đồng BT với nhà đầu tư là UBND thành phố Đà Nẵng.
Dự án khởi công tháng 9/2013 và hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 3/2015. Sau khi công trình được đưa vào sử dụng, nhà đầu tư nhiều lần có công văn gửi các cơ quan liên quan đề nghị thanh toán.
Theo nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty TNHH Ngã Ba Huế Trung Nam, dự án chưa được quyết toán vốn dẫn đến chưa trả được số nợ vay từ Ngân hàng SHB, do đó, nhà đầu tư tiếp tục gánh thêm lãi suất phát sinh do nợ quá hạn.
Hơn nữa, hiện một số văn bản pháp luật có liên quan tại thời điểm ký kết hợp đồng BT đã hết hiệu lực nên dù số vốn đã được bố trí nhưng thủ tục thanh toán chưa thể thực hiện, cộng thêm lãi suất phát sinh trong thời gian chờ thanh toán cho nhà đầu tư làm tăng tổng mức đầu tư. Do đó, dù dự án được hoàn thành từ lâu nhưng vướng mắc vẫn chưa thể tháo gỡ.