Chi phí đẩy “phả hơi nóng” vào kiểm soát lạm phát

Ánh Tuyết Thu Hằng
Chia sẻ

“Cơn sốt” giá nguyên, nhiên liệu và hàng hóa cơ bản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến lạm phát do chi phí đẩy lan dần là mối lo lớn nhất với cơ quan quản lý từ nay đến cuối năm...

Toàn cảnh Đối thoại: “Vòng xoáy lạm phát – Kiểm soát chi phí đẩy”.  Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Toàn cảnh Đối thoại: “Vòng xoáy lạm phát – Kiểm soát chi phí đẩy”. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Bình quân quý 1, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước. Giá phân bón lập đỉnh, cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm 2021, giá bán phân bón DAP tăng phi mã lên tới 46%; phân bón MAP tăng 44%; Kali tăng 102%.

Chi phí đầu vào tăng chóng mặt “thổi” giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và bào mòn thu nhập người dân.

MỐI LO TỪ GIÁ NGUYÊN VẬT LIỆU VÀ HÀNG HÓA CƠ BẢN

“Mổ xẻ” nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao đột biến tại Đối thoại: “Vòng xoáy lạm phát – Kiểm soát chi phí đẩy” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thừa nhận rằng chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là xăng dầu, chưa kể, các nguyên, vật liệu khác như một số hóa chất phục vụ sản xuất phân bón cũng đều tăng.

Hơn nữa, trong ngành sản xuất phân bón, nhiều nguyên liệu sản xuất của Việt Nam chưa tự sản xuất trong nước mà vẫn lệ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài.

Thị trường phân bón vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại lao đao do căng thẳng Nga-Ukraine khiến thị trường phân bón thế giới suy giảm nguồn cung và tăng giá.

Trong nước, mặt hàng phân bón DAP, MAP mới tự chủ được một phần, trong khi có những loại phân bón phải nhập khẩu hoàn toàn như Kali. Thời điểm nhập khẩu Kali vào đúng kỳ xung đột vũ trang giữa Nga-Ukraine trong khi Việt Nam lại nhập khẩu chủ yếu từ hai quốc gia này, giá Kali có thời điểm tăng đến hơn 100%”, ông Ngọc nêu thực tế.

“Chúng tôi chứng kiến có những tàu chở hàng dù chưa cập bến tại Việt Nam nhưng đều được bán hết, thậm chí, giá cao ngất ngưởng nhưng cũng không có mà bán”, ông Ngọc nói và thừa nhận, việc giá thành phân bón tăng cao đẩy chi phí đầu vào tăng khiến sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua rất khó khăn, người nông dân đứng ngồi không yên, chưa kể chi phí logistics cũng tăng rất cao vì liên quan đến xăng dầu.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón, việc giá cả tăng tác động đến nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp là rất rõ ràng, khiến sản phẩm nông nghiệp khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới càng trở nên khó khăn hơn.

 
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

"Phân bón chiếm đến 40-45% chi phí đầu vào nên giá phân bón leo thang thời gian qua khiến chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng rất mạnh, dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng theo.

Giá sản phẩm nông nghiệp tăng không chỉ ảnh hưởng đến hàng chục triệu nông dân mà rộng hơn là cả người lao động nói chung”, ông Ngọc bất an.

 

Cùng với phân bón, xăng dầu, một mặt hàng chiến lược quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, cũng có tốc độ tăng “chóng mặt” trong thời gian qua, kéo theo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác dồn dập tăng giá.

Theo Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế.

Vì vậy, hệ quả của việc xăng dầu tăng giá sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Nếu giá xăng dầu tăng 30% thì lạm phát tăng thêm 1,05%.Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI).
Nếu giá xăng dầu tăng 30% thì lạm phát tăng thêm 1,05%.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI).

Tuy nhiên, dù giá xăng dầu thế giới vẫn biến động bất thường, việc điều hành giá xăng dầu thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ thuế từ ngày 1/4 và Quỹ Bình ổn giá được người dân và giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng trong việc bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

KỊCH BẢN ĐIỀU HÀNH PHẢI THEO SÁT BIẾN ĐỘNG

Khó khăn trong quản lý, điều hành giá ngay từ những tháng đầu năm đòi hòi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) với vai trò giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá phải theo sát tình hình diễn biến của giá cả trong từng tháng và từng quý, dự tính các kịch bản để báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo để đưa ra những giải pháp kịp thời. 

Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho hay trong các kịch bản điều hành bao giờ cũng có 3 loại, kịch bản tốt nhất, kịch bản vừa và kịch bản xấu nhất.

Trong kịch bản xấu nhất, Cục Quản lý giá dự tính mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%, lúc đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, dù chịu những biến động bất thường của chi phí sản xuất nhưng CPI quý 1 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước cho thấy vấn đề kiểm soát mặt bằng giá khá thành công.

Lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định, với diễn biến CPI của quý 1 vừa qua, các bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Thực hiện tốt vai trò nhạc trưởng trong quản lý nhà nước về giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục chủ động cập nhật thông tin diễn biến giá cả thị trường, phối hợp với các bộ, ngành cập nhật kịch bản điều hành giá hướng tới kiểm soát lạm phát theo mục tiêu được giao. Đồng thời, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Thời gian tới, việc tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá cũng cần được đề cao hơn.

Để điều hành giá xăng dầu linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, tăng cường quản lý thị trường đảm bảo nguồn cung xăng dầu là một trong những điều kiện tiên quyết để bình ổn thị trường.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chia sẻ, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Công thương giao cho lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát thị trường, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh, bất ổn chính trị trên thế giới để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, thu lời bất chính.

Ngoài xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra các mặt hàng phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương, phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) trong việc xác định nguyên liệu đầu vào cũng như nguồn gốc xuất xứ của những hàng hóa xuất sang các nước mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do.

Theo kết quả báo cáo sơ bộ của các cục quản lý thị trường địa phương, đến cuối tháng 3, tình hình kinh doanh xăng dầu cơ bản ổn định trở lại, các hiện tượng thiếu xăng dầu, đóng cửa không bán hàng trong giờ quy định giảm và dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, trong công tác điều hành, quản lý giá cả từ nay đến cuối năm vẫn tiềm ần nhiều yếu tố rất khó lường.

Bên cạnh đó, để bình ổn thị trường, kiểm soát chặt lạm phát ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát biến động giá cả, cung cầu trên thị trường thế giới và trong nước đề kịp thời ứng phó, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá phù hợp.

 
Ông Đặng Công Khôi Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính.
Ông Đặng Công Khôi Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính.

"Chi phí đẩy hiện là thách thức lớn nhất và phải kiểm soát được vấn đề này, lạm phát cơ bản sẽ đạt được mục tiêu.

Chúng tôi cũng sẽ tính toán đến kịch bản lạm phát do cầu kéo. Tổng cầu đang dần phục hồi, đây là một điều đáng mừng vì sức khỏe của nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục và các chính sách vĩ mô bắt đầu phát huy tác động tích cực đến nền kinh tế.

Một yếu tố khác cần lưu ý kiểm soát là lạm phát kỳ vọng bởi tác động ghê gớm đến tâm lý chung khi hàng loạt quốc gia trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và các chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chịu nhiều áp lực. Việc kiểm soát lạm phát kỳ vọng cũng sẽ là một thành công rất lớn”.

 

 
Ông Nguyễn Đức Lê Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương. 
Ông Nguyễn Đức Lê Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương. 

"Trong quá trình kiểm tra xử lý, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ngoài vi phạm về điều kiện kinh doanh như phòng chống cháy nổ, kiểm định cây xăng thì các hành vi vi phạm xảy ra chủ yếu thời gian qua là các cửa hàng lợi dụng giờ cao điểm, quản lý thị trường lỏng lẻo để không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán dù còn hàng.

Thậm chí, cố tình găm lại để đợi giá cả lên hoặc che bảng, thông báo cột bơm hỏng, tìm mọi cách để không bán hàng trong những thời điểm Chính phủ đang điều chỉnh giá.

Ngoài ra, một số đối tượng tìm cách bán các sản phẩm xăng dầu kém chất lượng để thu lời bất chính. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi kiểm tra phát hiện trên 150 vụ vi phạm, xử lý khoảng 50 vụ với số tiền trên 2,5 tỷ đồng”.

 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con