Chính phủ liêm chính và “kinh nghiệm tiêu tiền”

Nguyên Vũ
Chia sẻ

Kinh nghiệm điều hành ngân sách đã và vẫn đang là vấn đề lớn với Chính phủ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa) sốt ruột vì “sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa) sốt ruột vì “sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết”.
Trước khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 26/7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hơn một lần khẳng định mạnh mẽ quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính.

Sau khi tuyên thệ, ông nói: “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”.

Từ đó đến nay, ở nhiều diễn đàn khác nhau, hai thông điệp nói trên được nhắc đến với nhiều kỳ vọng.

Sáng 16/8, tại phiên họp thứ 50 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thông điệp về Chính phủ liêm chính thêm một lần được nhấn mạnh. Chỉ có điều lý do nhắc tới lại gắn với sự băn khoăn.

Vẫn “tiền trảm hậu tấu”


Cả hai nội dung bàn thảo của buổi sáng 16/8 đều gắn với chuyện chi tiêu ngân sách.

Trong điều kiện nợ công tăng cao và ngay ở kỳ họp thứ nhất vừa bế mạc cuối tháng 7, khi bàn quyết toán ngân sách 2014 với bội chi cao hơn mức Quốc hội đã quyết, một số vị đại biểu đã cho rằng không thể chấp nhận mãi, cho qua mãi chuyện “tiền trảm hậu tấu” trong chi ngân sách.

Khi đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong điều hành ngân sách.

Còn sáng nay, Chính phủ đề nghị sử dụng trên 77 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 của dự án hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường di dân, tái định cư.

Tờ trình của Chính phủ gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề ngày 2/6/2016.

Nhưng trước đó nửa tháng, ngày 18/5/2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định cho phép bổ sung hạng mục đền bù (77,575 tỷ đồng) vào đúng dự án này.

Điều đáng nói là quyết định này được ban hành khi chưa có ý kiến chấp thuận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Như vậy, “tiền trảm hậu tấu” vẫn tiếp tục diễn ra. Và, sự khôi hài của việc “tấu” được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ ra rằng, 150 tỷ đồng không phải là vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng của dự án hồ Tả Trạch.

Mà, ít tháng trước đây, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 Chính phủ đề nghị dành 150 tỷ đồng cho dự án hồ Tả Trạch (phần xây lắp) vì rất cần thiết, cấp bách nên đã được đồng ý.

Nay vẫn theo Chính phủ, dự án này có một số hạng mục chưa thực sự cần thiết phải đầu tư ngay thì lấy tiền đó để đền bù cho dân - những người đã bị thu hồi đất nông nghiệp từ 10 năm trước.

Việc làm này được ông Hiển nhấn mạnh là thiếu nghiêm túc.

Khi đang thảo luận nội dung này, thì tài liệu của nội dung thứ hai - tờ trình điều chỉnh vốn nước ngoài năm 2016 của Chính phủ - cũng đã có trên tay các vị uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Và, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc  cùng một vài vị khác cũng đã dự liệu đến sự thiếu nghiêm túc ở nội dung này.

Không nằm ngoài dự đoán, tờ trình không được chấp nhận.

“Sợi dây kinh nghiệm”

Cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - nhận xét, tiến độ  giải ngân vốn nước ngoài quá chậm, thậm chí có tình trạng chưa giải ngân, một số bộ ngành địa phương mới nhận giao kế hoạch dự toán nhưng đến tháng 7 Chính phủ đã đề nghị thu hồi.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình, dự án cần được bổ sung vốn để sớm hoàn thiện thì tình trạng trên là biểu hiện lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng vốn vay nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội và nhiều vị khác tại cuộc họp cũng tỏ ra ngạc nhiên từ chính những thông tin được nêu tại báo cáo của Chính phủ.

Đó là, có những dự án chưa đầy đủ thủ tục vẫn được bố trí vốn. Có nơi chưa có nhu cầu cũng được bố trí vốn, nhưng có những dự án đã được quyết định đầu tư từ 2014 nhưng đến tận 2016 chưa được đưa vào dự toán...

Đáng chú ý hơn cả là tự khẳng định chưa đủ chưa có căn cứ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương, nhưng Chính phủ vẫn trình ra tờ trình "về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016".

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách lại tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Nghiêm túc, nghiêm khắc rút kinh nghiệm cũng là cụm từ xuất hiện dày đặc trong cả hai phần thảo luận.

Nhưng, nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì với chi tiêu ngân sách, lâu nay thường có tình trạng xong hết rồi thì rút kinh nghiệm, “sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết”.

Còn Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc quả quyết: “Chính phủ đã gửi thông điệp liêm chính thì phải thực hiện, không thể liên tục rút kinh nghiệm”.

Như vậy, kinh nghiệm điều hành ngân sách, hay nói nôm na là “kinh nghiệm tiêu tiền” đã và vẫn đang là vấn đề lớn với Chính phủ, để mỗi đồng tiền thuế của dân đều được tiêu có trách nhiệm, như chính lời phát biểu nhậm chức của Thủ tướng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con