Chủ động ứng phó mọi biến động, kiên quyết không lùi tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Anh Tú
Chia sẻ

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị khắc phục triệt để các vướng mắc về nguồn cung vật liệu đất đắp, chủ động đổi mới phương pháp điều hành trên công trường. Từ đó, kiên quyết giữ mục tiêu tiến độ đến năm 2022, hoàn thành 361 km và đến năm 2025 có thêm 2.000 km đường cao tốc...

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nhấn mạnh không lùi bất cứ mốc tiến độ nào, đến năm 2022 đảm bảo hoàn thành 361 km; đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm 2.000 km đường cao tốc.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nhấn mạnh không lùi bất cứ mốc tiến độ nào, đến năm 2022 đảm bảo hoàn thành 361 km; đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm 2.000 km đường cao tốc.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

LO GIÁ VẬT LIỆU TĂNG ĐỘT BIẾN "CẢN" TIẾN ĐỘ

Cập nhật tiến độ dự án, Bộ Giao thông vận tải, cho biết thứ nhất, cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông hiện hoàn thành công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng đạt 100%, bàn giao 99,95%. Trong đó, còn khoảng 305 m chưa bàn giao, trong đó, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt còn 55 m và đoạn Nha Trang-Cam Lâm còn 250 m, dự kiến hoàn thành trong tháng 7.

Với 4 dự án hoàn thành trong năm 2022, sản lượng trung bình đạt 63,3% giá trị hợp đồng, chậm 2,9%.

4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 44,4% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch.

Còn lại 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 13,4% giá trị hợp đồng, chậm 2,9%.

 

Tổng giá trị xây lắp cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) đến ngày 15/7 đạt khoảng hơn 25 nghìn tỷ đồng, tương đương 45% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,52%. Đáng lưu ý, 4 dự án hoàn thành trong năm 2022 sản lượng trung bình đạt 63,3% giá trị hợp đồng, chậm 2,9%.

Liên quan đến việc đảm bảo nguồn cung đất đắp cho dự án, Bộ Giao thông vận tải, cho biết dù nguồn vật liệu đắp nền đường đoạn Nha Trang-Cam Lâm hiện còn thiếu 0,8 triệu mét khối nhưng có 3 mỏ đất được cấp phép thăm dò, đang hoàn thiện các thủ tục để trình cấp phép khai thác trong tháng 7 nên không ảnh hưởng đến tiến độ.

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết còn 1 mỏ đất được cấp phép khai thác, hiện nhà thầu đang hoàn thiện thủ tục để khai thác trong tháng 7/2022.

Tuy nhiên, "thời tiết có diễn biến bất thường, mưa nhiều và đến sớm hơn thường lệ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công nền đường và các lớp móng, mặt đường đặc biệt là đối với các dự án có yêu cầu hoàn thành trong năm 2022", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ vướng mắc.

Cùng với đó, thời gian vừa qua, giá nhiên, nguyên, vật liệu tăng cao ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường đã được quy định trong hợp đồng, chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính cho nhà thầu làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, các địa phương cần tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu, giải quyết dứt điểm những vướng mắc về thiếu hụt nguồn cung vật liệu hiện nay.

Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà thầu được khai thác khối lượng vật liệu đất đắp còn lại cho dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết trong tháng 7.

Đồng thời, "kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quản lý, bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, cũng như có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề biến động giá nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng nói chung và các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông nói riêng", ông Thọ nói.

Thứ hai, về tiến độ dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, hiện triển khai đáp ứng các mốc tiến độ.

Ngày 13/7 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư 12 dự án thành phần là cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo của bước thực hiện đầu tư.

Hiện các địa phương cũng thành lập Ban chỉ đạo và hội đồng giải phóng mặt bằng và triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm.

Tại cuộc họp, các Ban quản lý dự án và nhà thầu cho biết do biến động giá nhiên, nguyên, vật liệu ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến như: thép, đất đắp các loại, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, cát vàng sản xuất bê tông xi măng... Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án.

Ông Dương Viết Doãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải, bày tỏ biến động giá ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện dự án, trong đó, nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến.

Do đó, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long mong mỏi Bộ Xây dựng cùng các ngành liên quan có cuộc họp để tháo gỡ, nếu không xử lý triệt để sẽ gây khó khăn cho nhà thầu, bởi đây là giai đoạn thi công kết cấu mặt đường nên cần nhiều vốn để thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Hữu Tới, Chủ tịch hội đồng quản trị Vinaconex cũng kiến nghị các bộ, ngành bù giá sao cho kịp thời bởi hiện này có nhà thầu có vốn, có nhà thầu không có, đặc biệt là nhà thầu phụ. Khi được điều chỉnh sẽ triển khai dự án đúng tiến độ.

KIÊN QUYẾT KHÔNG LÙI TIẾN ĐỘ

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nêu rõ phát triển đường cao tốc là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, đang được các địa phương đồng tình ủng hộ, tạo ra sự động lực mới cho các địa phương có đường cao tốc đi qua phát triển kinh tế-xã hội. 

Để thực hiện mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 phải hoàn thành 2.000 km đường cao tốc, Quốc hội ban hành Nghị quyết với nhiều cơ chế đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai cao tốc.

Phó Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, địa phương vào cuộc rất quyết liệt, với tinh thần trách nhiệm cao. Trong đó, giai đoạn 1 hoàn thành toàn bộ giải phóng mặt bằng và sử dụng hàng trăm triệu khối vật liệu xây dựng và cao tốc giai đoạn 2 cũng cần khối lượng tương tự.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị không lùi bất cứ mốc tiến độ nào - Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị không lùi bất cứ mốc tiến độ nào - Ảnh: VGP.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp biến động giá cả do ảnh hưởng tình hình thế giới, cùng với đó là dịch bệnh, thiên tai.

"Khối lượng công việc là rất lớn, lại triển khai trong thời gian ngắn mới đáp ứng được các yêu cầu phát triển đường cao tốc mà Nghị quyết Đại hội đề ra", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều lúng túng trước biến động giá cả. Các chủ đầu tư, nhà thầu không thực sự chủ động triển khai các giải pháp ứng phó theo quy định của pháp luật.

Theo đó, giá gói thầu để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu đã tính đến chi phí dự phòng trượt giá, chi phí cho các yếu tố rủi ro. Sau khi ký hợp đồng, nhà thầu phải tính toán việc mua vật tư. Còn việc điều chỉnh giá, không thể buổi sáng giá xăng tăng mà một hai tuần sau điều hành được.

Do đó, Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng các nhà thầ, Ban quản lý dự án cũng chủ đầu tư hiện chưa quản lý, triển khai bài bản, vì vậy phải rút kinh nghiệm. 

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, thuận lợi căn bản nhất là nguồn lực cho cả hai giai đoạn đều được bố trí.

Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách, kể cả các cơ chế đặc thù, đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

 

"Trên tinh thần đó, không lùi bất cứ mốc tiến độ nào, từ nay đến năm 2022 đảm bảo hoàn thành 361 km, đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm 2.000 km đường cao tốc được Đại hội Đảng xác định", Phó Thủ tướng khẳng định.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án và nhà thầu không được thay đổi mục tiêu hoàn thành 361 km.

Đồng thời, phải đổi mới phương pháp, tổ chức giao ban hàng tuần để xem xét công việc, tiến độ thi công, đồng thời có giải pháp điều động thiết bị khi cần thiết để hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật.

Đối với các dự án thuộc giai đoạn 2, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn 1.

Các địa phương, nhà thầu phải xác định rõ các mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Các Ban quản lý dự án, nhà thầu cần phải đổi mới phương pháp chỉ huy, điều hành trên công trường để thực hiện dự án đúng tiến độ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà thầu, khởi công toàn bộ 729 km trước ngày 31/12.

Đồng thời, khẩn trương triển khai quyết định giao cho các địa phương là chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, phân bổ kịp thời nguồn vốn để đảm bảo đến 31/12 giải phóng 70% mặt bằng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con