Chủ tịch Evergrande trấn an nhà đầu tư, giá cổ phiếu tăng bùng nổ
Việc Chủ tịch Hứa Gia Ấn lên tiếng đã giúp giá cổ phiếu Evergrande tăng tới 35% trong phiên giao dịch sáng nay (23/9) tại thị trường Hồng Kông
Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn tuyên bố công ty này sẽ ưu tiên giúp các nhà đầu tư mua sản phẩm quản lý gia sản (WMP) lấy lại tiền. Lời trấn an được đưa ra trong bối cảnh giới đầu tư hồi hộp chờ xem công ty bất động sản ngấp nghé bờ vực vỡ nợ này có thể thanh toán tiền lãi trái phiếu đến hạn trong ngày hôm nay.
Tuy nhiên, việc ông Hứa lên tiếng đã giúp giá cổ phiếu Evergrande tăng bùng nổ trong phiên giao dịch sáng nay (23/9) tại thị trường Hồng Kông.
Theo tin từ Reuters, ông Hứa vào tối ngày 22/9 nói Evergrande sẽ cố gắng đảm bảo giao nhà đúng chất lượng và tiến độ cho khách hàng mua nhà, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khởi động lại các dự án dang dở đang bị tạm ngừng.
Cổ phiếu Evergrande tăng tới 32% sau tuyên bố của ông chủ Evergrande. Trước phiên này, cổ phiếu Evergrande đã giảm khoảng 85% từ đầu năm. Từ khi công ty lên sàn chứng khoán vào năm 2009 đến nay, chưa khi nào cổ phiếu tăng mạnh như sáng nay.
Mối lo về cuộc khủng hoảng nợ Evergrande đã được giải toả phần nào từ ngày thứ Tư, sau khi có tin nói rằng một công ty con của Evergrande đã giải quyết xong một đợt thanh toán tiền lãi trái phiếu. Dù vậy, đây mới chỉ là một trong vô số thách thức mà công ty này phải đương đầu khi gánh số nghĩa vụ nợ trên 300 tỷ USD.
Nguồn thạo tin nói với Reuters rằng cam kết mà ông Hứa đưa ra “rõ ràng nhằm ổn định thị trường nhưng có vẻ không mang lại nhiều thông tin cho các chủ nợ trái phiếu của công ty”.
“Chưa có một kế hoạch rõ ràng nào, nhưng chúng tôi kỳ vọng nợ của công ty sẽ đến lúc được tái cơ cấu”, nguồn tin nói.
Giới đầu tư toàn cầu vẫn đang “nín thở” chờ đợi bởi ngày hôm nay (23/9) là thời hạn để Evergrande thanh toán tiền lãi của một lô trái phiếu quốc tế. Một vụ vỡ nợ của Evergrande có thể đặt ra rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế Trung Quốc, cũng như gây ra ảnh hưởng sâu rộng trên thị trường toàn cầu.
Chinese Estates Holdings, cổ đông lớn thứ nhì của Evergrande, ngày 22/9 tuyên bố đã bán 32 triệu USD cổ phiếu Evergrande và có kế hoạch rút hết vốn khỏi công ty này.
Sau 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu quốc tế tới hạn phải trả vào ngày 23/9, Evergrande sẽ tiếp tục phải thanh toán 47,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu quốc tế nữa vào tuần tới.
Một số nhà phân tích cho rằng sẽ phải mất vài tuần mới có thể đi đến đánh giá rõ ràng hơn về số phận của Evergrande.
“Công ty này có thể tái cơ cấu nợ và tiếp tục hoặc động, hoặc cũng có thể thanh lý tài sản”, chiến lược gia Paul Christopher của Wells Fargo Investment Institute nhận định. Theo ông Christopher, trong bất kỳ trường hợp nào, nhà đầu tư mua các sản phẩm tài chính của Evergrande cũng gánh thiệt hại.
“Tuy nhiên, trong trường hợp thanh lý, ảnh hưởng có thể vượt khỏi biên giới Trung Quốc”, ông nói thêm.
Dù vậy, quan điểm chung của giới phân tích là một vụ đổ vỡ của Evergrande sẽ không gây ra một “khoảnh khắc Lehman”, tương tự như khi vụ phá sản ngân hàng đầu tư Lehman Brothers châm ngòi cho khủng hoàng tài chính toàn cầu cách đây 1 thập kỷ.
Phát biểu tại cuộc họp báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 22/9 sau cuộc họp chính sách định kỳ, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng khủng hoảng Evergrande là vấn đề tập trung ở Trung Quốc và ông không nhận thấy có một câu chuyện tương tự ở doanh nghiệp Mỹ.
“Nói về ảnh hưởng đến Mỹ, thì Mỹ không có liên quan trực tiếp nhiều đến việc này. Các ngân hàng lớn của Trung Quốc có liên quan nhiều, nhưng các bạn có thể lo ngại các điều kiện tài chính toàn cầu có thể bị tác động thông qua kênh niềm tin”, ông Powell nhận định.