Chủ tịch Fed lý giải vì sao sẵn sàng “chấp nhận đau thương” để ổn định giá cả
Ông Powell nói những đợt tăng lãi suất mạnh tay mà Fed đã triển khai để chống lạm phát khiến cho các quan chức Fed không được lòng mọi người cho lắm...
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 10/1 đã có lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng trong năm 2023. Trong lần xuất hiện này, ông Powell nhấn mạnh tầm quan trọng của sự độc lập của ngân hàng trung ương và cam kết kéo lạm phát xuống.
Phát biểu tại một sự kiện do Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển Sveriges Riksbank tổ chức, ông Powell nói những đợt tăng lãi suất mạnh tay mà Fed đã triển khai để chống lạm phát khiến cho các quan chức Fed không được lòng mọi người cho lắm. Nhưng ông khẳng định việc tăng lãi suất đó là biện pháp cần thiết: “Ổn định giá cả là hòn đá tảng của một nền kinh tế khoẻ mạnh và mang lại cho công chúng những lợi ích to lớn theo thời gian. Nhưng lập lại ổn định giá cả khi lạm phát còn cao có thể đòi hỏi những biện pháp không được lòng dân trong ngắn hạn vì chúng tôi phải tăng lãi suất để khiến nền kinh tế giảm tốc”.
“Việc không có can thiệp chính trị trực tiếp vào các quyết định của chúng tôi cho phép chúng tôi thực hiện các biện pháp cần thiết này mà không phải tính đến các yếu tố chính trị ngắn hạn”, nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói thêm.
Ông Powell lấy việc chống biến đổi khí hậu như một ví dụ điển hình của việc vì sao các quan chức trong Fed “nên tập trung vào công việc của mình và không trệch hướng khỏi việc theo đuổi các lợi ích xã hội không gắn kết với các mục tiêu và thẩm quyền đã được quy định” của Fed. Ông nói Fed sẽ không phải “là một nhà hoạch định chính sách về khí hậu”.
Gần đây, Fed triển khai một chương trình thử nghiệm tự nguyện kêu gọi 6 ngân hàng lớn nhất của Mỹ kiểm tra khả năng ổn định của họ trong những kịch bản khí hậu khác nhau. Đây là một chương trình không có chế tài đi kèm, nhưng việc Fed đưa ra chương trình đã khiến một số chính trị gia cáo buộc Fed tham gia vào vấn đề chính trị.
“Ngày hôm nay, một số nhà phân tích đã hỏi liệu việc đưa vào nhiệm vụ giám sát ngân hàng những rủi ro đi kèm với biến đổi khí hậu có phải là phù hợp, sáng suốt và nhất quán với các sứ mệnh hiện có của chúng tôi”, ông Powell nói. “Theo quan điểm của tôi, Fed thực sự có trách nhiệm hẹp nhưng quan trọng về các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu. Những trách nhiệm này có mối liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ giám sát ngân hàng của chúng tôi. Công chúng có lý do để kỳ vọng các nhà giám sát đòi hỏi các ngân hàng phải am hiểu và quản lý phù hợp những rủi ro của họ, bao gồm rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu”.
“Việc không có can thiệp chính trị trực tiếp vào các quyết định của chúng tôi cho phép chúng tôi thực hiện các biện pháp cần thiết mà không phải tính đến các yếu tố chính trị ngắn hạn”.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell
Trong bài phát biểu này, ông Powell không đề cập trực tiếp đến triển vọng chính sách tiền tệ của Fed.
Tốc độ lạm phát của Mỹ đã giảm liên tục trong 5 tháng qua, cho phép Fed giảm bớt tốc độ tăng lãi suất. Trong khi đó, lạm phát ở khu vực Eurozone, dù đã giảm hai tháng liên tiếp, vẫn ở mức 9,2% trong tháng 12 vừa qua. Tháng trước, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói bà kỳ vọng lãi suất tăng “cao hơn nhiều vì lạm phát vẫn còn quá cao và được dự báo sẽ giữ trên mức mục tiêu của chúng tôi trong thời gian quá dài”.
“Nếu các bạn so sánh chúng tôi với Fed, chúng tôi còn nhiều việc phải làm hơn họ. Chúng tôi còn một chặng đường dài hơn phải đi”, bà Lagarde nói.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vẫn đang phải đối mặt với mức lạm phát cao nhất kể từ thập niên 1980. Tuần này, chuyên gia kinh tế trưởng Huw Pill của BOE nói rằng lạm phát cao có thể kéo dài lâu hơn cho dù giá bán buôn điện đã giảm gần đây và nền kinh tế đang ngấp nghé suy thoái.
Cả ba ngân hàng trung ương này đang chống lạm phát trong những điều kiện khác nhau, nhưng có chung một cách chiến đấu là duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngoài ra, các quan chức của cả ba ngân hàng trung ương này cũng ra sức bảo vệ sự độc lập và uy tín của định chế, khi cả ba cùng bị chỉ trích là đã để mặc cho lạm phát tăng vượt tầm kiểm soát rồi mới hành động.
Biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed công bố vào tuần trước cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ “tiếp tục đưa ra các quyết định theo từng cuộc họp” - để ngỏ mọi lựa chọn về bước nhảy lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 31/1-1/2.
Hiện tại, các quan chức Fed đều đồng tình rằng việc cắt giảm lãi suất trong năm nay là không phù hợp. Và dù hoan nghênh việc lạm phát suy yếu, các quan chức Fed nhấn mạnh rằng ‘cần có thêm bằng chứng rõ ràng” về giảm lạm phát trước khi Fed có thể xoay trục.
Báo cáo việc làm tháng 12 công bố vào tuần trước cho thấy một bức tranh thiếu rõ ràng, khi số lượng việc làm mới được tạo ra trong nền kinh tế vẫn lớn nhưng tăng trưởng tiền lương suy yếu.
Báo cáo CPI tháng 12 công bố vào ngày thứ Năm tuần này sẽ là một căn cứ quan trọng để nhà đầu tư định hướng kỳ vọng lãi suất Fed. Theo dự báo của giới phân tích, CPI tháng 12 của Mỹ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc so với mức tăng 7,1% ghi nhận trong tháng 11.
Một mức lạm phát yếu sẽ củng cố khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tới, giảm từ mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong tháng 12 và bước nhảy 0,75 điểm phần trăm đã áp dụng trong 4 lần tăng liên tiếp trước đó.