Chủ tịch SSI: “Cần đề xuất Chính phủ xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản số”
Việt Nam là một trong ba nước giao dịch tiền số lớn nhất thế giới, nhưng đó chỉ là những con số. Chúng ta cần có đề xuất để các tài sản số là một tài sản được luật giao dịch dân sự chấp nhận…
Diễn đàn Tài sản số 2024 do Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital) tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia chiều 28/3, nhằm mục tiêu nhận diện cơ hội và thách thức về tài sản số, tạo kết nối trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận, quản lý, quản trị rủi ro loại hình đầu tư tài sản số trong nước và trên thế giới.
Thông tin tại diễn đàn cho biết tổng giá trị tài sản số trong năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu (theo Boston Consulting Group). Theo số liệu thống kê mới đây của Crypto Crunch App, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về giao dịch tiền số, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ, với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình đầu tư này, các hoạt động mua bán, giao dịch tài sản số trong nước vẫn diễn ra sôi động thông qua các sàn quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền và thất thoát cho nền kinh tế.
Sự phổ biến nhanh chóng về tài sản số đã và đang đặt ra những vấn đề chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, thị trường tài chính, thuế và yêu cầu quản lý kiểm soát rủi ro.
Ngày 23/2/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Tại quyết định trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá rủi ro về rửa tiền trong kinh doanh casino, trò chơi có thưởng và tài sản số, hoàn thành vào tháng 9/2024. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được giao xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI và đồng thời là Chủ tịch SSI Digital, cho biết Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người sở hữu tài sản số cao nhất thế giới. Trader (người giao dịch) Việt Nam cũng rất thông minh và thu được lợi nhuận lớn từ tài sản số.
Tuy nhiên, đây chỉ là những con số, bởi với những cơ sở pháp lý hiện nay thì bao giờ tài sản số mang về đất nước, đi đâu hay thế nào còn là câu chuyện và cần có những đề xuất để tài sản số được luật pháp chấp thuận, từ đó mới có các sàn để giao dịch, chuyển nhượng tài sản số.
Ngoài ra, theo Chủ tịch SSI Digital, cộng đồng đầu tư tài sản số đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như pháp lý, cơ chế ngoại hối, lừa đảo... Thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo. Theo ông Hưng, khi thị trường không phân biệt được đâu là vàng đâu là thau thì những người chưa hiểu biết sẽ càng khó phân định để quyết định được tài sản số của mình.
“Chúng tôi mong rằng có đủ cơ sở để xin cơ chế đặc thù hợp pháp để mọi người tham gia một cách chính thống, đồng thời tạo ra một nơi để startup nương tựa và huy động vốn khi cần thiết”, Chủ tịch SSI Digital nói và cho rằng việc đề xuất Chính phủ xây dựng khung pháp lý để kiểm soát giao dịch tài sản số, thúc đầy kiến tạo môi trường phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, phát triển các ứng dụng Blockchain và dịch vụ kỹ thuật. Từ đó giúp giữ lại tài năng trong nước, tránh chảy máu chất xám, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Trần Đắc Trung, cũng cho rằng việc định hình những cơ hội và thách thức do tài sản số mang lại, từ đó tạo ra luật chơi, khuôn khổ cho loại tài sản này là đòi hỏi khách quan và cấp thiết.
Theo ông Trung, nếu phát triển và khai thác tốt các nền tảng giao dịch tài sản số, Việt Nam không chỉ có thể tăng thu cho ngân sách Nhà nước, ngăn chặn thất thoát các nguồn lực về tài chính và trí tuệ ra nước ngoài mà còn thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo thuận lợi, khuyến khích các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới ra đời, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Ông Trần Đắc Trung cũng cho rằng đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng và để thành công, cần có sự tham gia của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các doanh nghiệp và nhà khoa học, chuyên gia công nghệ.