Chủ tịch Vinatex: Cần thể chế hóa các tiêu chuẩn ESG, kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may
Hiện vẫn chưa có chính sách, quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị doanh nghiệp). Các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon... vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế...
Ngành dệt may luôn được cho là ngành có phát thải lớn, trung bình một năm có khoảng 100 triệu tấn rác thải rắn từ quần áo cũ bỏ ra. Hiện Trung Quốc mỗi năm có khoảng 30 triệu tấn rác thải, Mỹ khoảng 20 triệu tấn rác thải từ quần áo cũ bỏ.
Mỗi một sản phẩm dệt may quy chuẩn tính từ trồng bông tới khi ra một sản phẩm tiêu tốn khoảng 20 khối nước và 1 năm trên thế giới với 100 tỷ sản phẩm dệt may sẽ dùng hết 2.000 tỷ khối nước.
Cũng chính bởi vậy, có lẽ đến bây giờ dệt may là ngành có nhiều quy định, tiêu chuẩn liên quan tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh nhất trên thế giới.
Chia sẻ tại toạ đàm “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết hiện Vinatex áp dụng các giải pháp giảm thiểu carbon trên việc đo lường dấu chân carbon trong vòng đời sản phẩm (trong năm 2024 có 2 Tổng công ty lớn thực hiện xong). Đồng thời xây dựng chiến lược sản xuất xanh, tuần hoàn song bước đi hết sức cân nhắc, bám theo thị trường.
Kết quả đến nay, về môi trường, lượng điện sử dụng trong các thành viên Tập đoàn giảm 2% so với 2022 trên một đơn vị sản phẩm.
Tổng lượng điện mặt trời áp mái tại các đơn vị thành viên là 17.123.783 kW. Lượng chất thải nguy hại giảm 84% so với 2022. Hoàn thành Nhà máy xây lắp nước thải số 2 tại Công ty CP Phát triển hạ tầng Dệt may Phố Nối, đạt tiêu chuẩn quỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm.
Về mặt xã hội, hệ thống Tập đoàn duy trì việc làm cho 62.000 lao động thuộc doanh nghiệp cấp 1, lương trung bình 9,45 triệu đồng/người/tháng trong bối cảnh khó khăn. Chính sách phúc lợi bổ sung cho lao động: phụ cấp điện thoại, xăng xe, xe đưa đón, cải thiện chất lượng ăn ca, nhà giữ trẻ cho người lao động .... Tích cực tham gia các chương trình và công trình thiện nguyện, hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn...
Về quản trị, toàn bộ hệ thống Tập đoàn đã hiện đại hóa mô hình quản trị, đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông, người lao động và xã hội. Chuyển đổi số tại VP Công ty mẹ và các đơn vị thành viên ở tất cả các lĩnh vực: minh bạch thông tin, truy xuất chuỗi cung ứng. Tuân thủ quy định pháp luật, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm giải trình. Áp dụng các phương pháp sản xuất xanh, nguyên tắc chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn.
THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ
Mặc dù vậy, Chủ tịch Vinatex cho rằng thách thức thực hành ESG, kinh tế tuần hoàn hiện rất lớn. Bởi hành lang pháp lý trong nước còn hạn chế. Chưa có chính sách, quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay ESG. Các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon... vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế.
Hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính ESG còn non trẻ, khiến các dự án dệt may xanh, bền vững gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính. Thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích phát triển dệt may tuần hoàn, bền vững (chính sách quy hoạch và phát triển khu công nghiệp xanh cho ngành sợi).
Về nguồn lực và công nghệ, đầu tư cho ESG và kinh tế tuần hoàn là dài hạn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nguồn lực con người để triển khai, ứng dụng công nghệ và thực hành các tiêu chuẩn ESG, kinh tế tuần hoàn cũng là thách thức.
Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp và thói quen tổ chức hoạt động trong hệ thống sản xuất tuyến tính sẽ cản trở quá trình chuyển đổi. Đến nay 95% sản phẩm dệt may trên thế giới vẫn là truyền thống. Mặc dù ý thức tiêu dùng sản phẩm tuần hoàn, bền vững ngày càng cao nhưng giá cả sẽ là rào cản chính. Thị trường cho các sản phẩm tuần hoàn, bền vững vẫn là thị trường ngách.
Mặt khác, những hạn chế về nguồn cung nguyên liệu xanh, bền vững phục vụ sản xuất. Giá nguyên liệu xanh cao hơn, nên sản phẩm xanh nhìn chung cao hơn 30% so với sản phẩm sử dụng nguyên liệu thông thường. Các loại xơ hóa học tổng hợp hiện đang chiếm tới 65% tổng sản lượng toàn cầu. Xơ thực vật (bao gồm bông) chỉ chiếm 27%.
Về dữ liệu ESG, vẫn thiếu chuẩn hóa trong dữ liệu để báo cáo, đặc biệt là về môi trường và xã hội. Chưa xác định được chuẩn báo cáo ESG để phục vụ được cho nhiều thị trường, khách hàng.
DỆT MAY CẦN NỖ LỰC ĐI TRƯỚC CHÍNH SÁCH MỘT BƯỚC
Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông Trường cho rằng cần thể chế hóa các tiêu chuẩn ESG, kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể, phù hợp với lộ trình thế giới. Gắn vai trò các bên liên quan và cơ chế tài chính để thực hiện mục tiêu (hợp tác công tư, tài chính xanh...).
Đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thông qua các công cụ thuế, tín dụng, đất đai. Chính sách cần có bước đi cụ thể. Nếu chính sách đi sớm so với thế giới, doanh nghiệp sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh do có chi phí đảm bảo sản xuất xanh, tuần hoàn ở Việt Nam.
Ông Trường cho biết thực tế với Vinatex, đến giờ phút này chưa có doanh nghiệp nào trực tiếp điều chỉnh và bắt buộc báo cáo theo quy định của ESG và kinh tế tuần hoàn. Đây là đặc điểm hết sức rủi ro với doanh nghiệp, bởi tất cả các khuyến nghị của EU về kinh tế tuần hoàn, về tiêu chuẩn xanh mặc dù có hiệu lực nhưng khi kinh tế và sức cầu suy thoái lập tức họ điều chỉnh thời gian hiệu lực.
Dẫn tới việc, nếu Việt Nam đi nhanh hơn một chút thì không bị ngặt nghèo ở thị trường đích, nhưng sản phẩm xanh lại đắt và sẽ không bán được hàng. Còn đi chậm một chút thì chúng ta không vào được thị trường đích.
Chính vì thế, hàng tháng Vinatex thường xuyên cập nhật các lộ trình áp dụng xanh, bởi nếu đi nhanh quá sẽ nguy hiểm. “Đi chậm có thể chạy gắng lên một chút nhưng đi nhanh quá chắc chắn thua, thiệt hại cho doanh nghiệp là nhìn thấy và không có cách cứu vãn. Nếu chúng ta bám chặt vào những quy định để thực hiện thì sẽ mất một khoản chi phí rất lớn cho tuần hoàn và kinh tế xanh. Như vậy, Việt Nam sẽ “việt vị” bởi người làm bằng với người không làm, người làm bị thua lỗ”, ông Trường nói.
Do đó, theo ông Trường doanh nghiệp cần nỗ lực đi trước chính sách trong nước một bước. Vì khách hàng yêu cầu, nếu không đáp ứng thì khách hàng không mua, trong khi luật trong nước chưa có nên tự doanh nghiệp phải thay đổi, nâng tiêu chuẩn để đáp ứng khách hàng. Đến lúc đó có thể điều chỉnh chính sách của chính phủ đi sau một bước – phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.
Đồng thời, cần các nghiên cứu dẫn đường và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực R&D để làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ đối tác. Khuyến khích phát triển các công cụ tài chính xanh, các mô hình hợp tác liên doanh để tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô và đa dạng hóa rủi ro.
Cần xác định khoảng cách kỹ năng trong doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp Quy hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Xây dựng mạng lưới liên ngành, liên doanh nghiệp để chia sẻ kiến thức và nhân lực.
Đặc biệt ông Trường nhấn mạnh về các giải pháp đầu ra thị trường cho các sản phẩm xanh. Cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông. Xây dựng văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xanh, bền vững. Ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất có đạo đức, trách nhiệm.