Vải, quần áo chống cháy: Thị trường ngách tiềm năng cho xuất khẩu dệt may
5 năm trở lại đây, nhu cầu về vải và trang phục chống cháy ngày càng tăng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiềm năng thị trường cho những sản phẩm này rất lớn, dự báo tăng trưởng 100% mỗi năm trong 5 năm đầu tiên, giá trị miếng vải tăng từ 3-5 lần, những sản phẩm may dùng loại vải này cũng có giá trị cao hơn rất nhiều...
Ngày 15/3, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và J.&P. Coats, Limited (Coats) đã ký kết hợp tác chiến lược trong sản xuất vải và trang phục chống cháy.
Với hợp tác chiến lược này, Coats và Vinatex sẽ hợp tác sản xuất vải và trang phục chống cháy. Vinatex sẽ sản xuất và bán vải, quần áo chống cháy theo đơn đặt hàng độc quyền cho Coats và chi nhánh của Coats trên toàn cầu.
Coats sẽ chịu trách nhiệm về bản quyền công nghệ, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, thiết kế và phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ, bán hàng, quảng bá, tiếp thị, phân phối và cung cấp các mẫu vải FR và quần áo vải chống cháy. Ngoài ra, Coats cam kết sẽ liên tục phát triển vải chống cháy, đảm bảo các sản phẩm có tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sản phẩm vải chống cháy được nghiên cứu, sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín do Tập đoàn Coats chuyển giao tại Vinatex, từ xơ – sợi – dệt- nhuộm – hoàn tất – may đến khâu đóng gói, đáp ứng các tiêu chuẩn theo từng lĩnh vực ngành nghề.
Ông Phạm Xuân Trình, Giám đốc điều hành Vinatex, cho biết sau hơn một năm nghiên cứu thử nghiệm, sản phẩm mẫu đã được khách hàng chấp nhận và đạt tất cả các tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu.
Gồm các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm: Tiêu chuẩn OEKO – TEX 100; phê duyệt UL và liệt kê trên thư mục UL; ISO 11612- Quần áo bảo hộ, quần áo chống cháy; NFPA 1975, 1977, 2113 - Quần áo và thiết bị bảo hộ để chữa cháy rừng…
Sản phẩm vải chống cháy được sản xuất với hai dòng sản phẩm: Từ xơ chịu nhiệt và từ hóa chất bao phủ vải để ngăn không cho nguồn nhiệt tiếp xúc với vật liệu bảo hộ. Sản phẩm phục vụ cho bảo hộ lao động, trong các lĩnh vực: gò hàn, tia lửa điện, khai khoáng, môi trường dễ phát cháy…
Ngay sau lễ ký kết, Vinatex sẽ triển khai sản xuất đơn hàng đầu tiên. Dự kiến thị trường mục tiêu Vinatex nhắm tới cho sản phẩm này là những quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Úc.
Mỹ sẽ là thị trường đầu tiên cho sản phẩm này bước chân vào, do đây là thị trường quy mô lớn, với dân số 300 triệu, là đất nước có tiêu chuẩn an toàn cao.
Đặc biệt, Vinatex hướng tới mục tiêu doanh thu xuất khẩu sản phẩm vải chống cháy trong 5 năm tới là từ 80 - 100 triệu USD cho mỗi năm. Trước mắt ngay trong năm 2024, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu cho sản phẩm này là 5 triệu USD.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam, phía nước ngoài đánh giá tiềm năng thị trường cho những sản phẩm vải chống cháy rất lớn, trong khi đó, Việt Nam nằm trong top 5 nước xuất khẩu dệt may thế giới lại chưa có các cơ sở sản xuất nguyên liệu phục vụ thị trường đặc biệt này.
Chính vì vậy, việc hợp tác sản xuất vải và trang phục chống cháy của Vinatex nhằm định hướng đi vào thị trường ngách đang còn bỏ ngỏ. Với công nghệ này, giá trị miếng vải tăng từ 3-5 lần, những sản phẩm may dùng loại vải này cũng có giá trị cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Trường, tất cả những loại vải, quần áo đặc thù lại đều phụ thuộc vào bản quyền. Những sản phẩm vải chống cháy sẽ đi vào những thị trường có yêu cầu khắc nghiệt như quần áo bảo hộ, quần áo đảm bảo an toàn cho người dùng mà không nằm trong phạm vi thị trường thời trang.
“Đây là lần đầu tiên ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với sản phẩm đòi hỏi bản quyền. Bản quyền này được đăng ký ở những quốc gia sử dụng và mang tính pháp lý. Chính vì thế, bước đầu Vinatex phải tiếp cận thông qua những tập đoàn lớn trên thế giới có sở hữu bản quyền về công nghệ, đăng ký sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm loại này”, ông Trường thông tin.
Ông Soundar Rajan, Tổng Giám đốc Ngành hàng Vật liệu chuyên dụng, Tập đoàn Coats, cho rằng việc hợp tác hướng Vinatex tới mục tiêu củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực đồ bảo hộ cá nhân, là bước đi quan trọng đầu tiên để định hướng phát triển về lĩnh vực tiềm năng này. Bởi các nghiên cứu mới của ngành dệt may thế giới cũng tập trung chủ yếu cho lĩnh vực các vật liệu mới mang tính sinh thái, an toàn.