Chứng khoán châu Á xanh rực sau khi đón tin CPI Mỹ
Thị trường chứng khoán khu vực châu Á tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 3 trong phiên giao dịch ngày 11/11, khi lạm phát của Mỹ giảm tốc và Trung Quốc đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn về chống dịch Covid-19...
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản có lúc tăng 3,5%, tiến tới hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Giá cổ phiếu con chip tăng bùng nổ, đưa các chỉ số chứng khoán chính ở Đài Loan và Hàn Quốc tiến sau vào “vùng xanh”, với mức tăng tương ứng hơn 5% và hơn 3%. Thị trường Hồng Kông tăng hơn 5% sau khi các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc kêu gọi áp dụng các biện pháp có trọng điểm hơn để kiểm soát Covid.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản tăng 3%; S&P/ASX 200 của chứng khoán Australia tăng 2,4%; Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục tăng hơn 1,5%.
Mới giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2009 trong phiên ngày 10/11, các đồng tiền ở khu vực châu Á đã phục hồi mạnh mẽ so với đồng USD trong phiên này. Đồng Yên giữ ở cao nhất gần 2 tháng so với USD, dao động quanh ngưỡng 141,6 Yên đổi 1 USD. Hồi tháng 10, đồng Yên tụt giá xuống mức thấp nhất so với USD trong gần 3 thập kỷ.
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục dao động quanh mốc 7,18 Nhân dân tệ đổi 1 USD, cao nhất gần 1 tháng.
Lợi suất trái phiếu giảm xuống khi nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến gần hơn tới việc giảm tốc độ tăng lãi suất, sau khi số liệu từ Bộ Lao động Mỹ ngày 10/11 cho thấy lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dịu đi.
“Các thị trường chứng khoán ở khu vực Đông Á vốn dễ tổn thương hơn trước các điều kiện tài chính thắt chặt ở Mỹ. Giờ đây, các thị trường này có thể hưởng lợi nhiều hơn từ việc lạm phát ở Mỹ đạt đỉnh”, chiến lược gia Frank Benzimra của ngân hàng Pháp Societe Generale nhận định trên hãng tin Reuters. “Một số ngân hàng ở khu vực châu Á đã bước vào phần cuối của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và có thể dịch chuyển trước khi Fed dịch chuyển”, chẳng hạn như Hàn Quốc và Ấn Độ.
Đợt hồi phục gần đây và thị trường chứng khoán Trung Quốc và sự trượt giá của đồng USD đã giúp chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng hơn 10% kể từ mức đáy thiết lập vào tháng 10. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục hạn chế đi lại ở một số thành phố lớn và đường đi của lãi suất trên toàn cầu vẫn còn chưa rõ ràng, triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn còn khá mờ mịt.
Chiến lược gia trưởng Sunil Koul của ngân hàng Goldman Sachs nói rằng bức tranh lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán châu Á vẫn còn ảm đạm và thị trường có thể sẽ ở trong một thời kỳ tích luỹ (consolidate) trong 6 tháng tới. “Sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, lãi suất tăng lên, đồng USD còn mạnh, và lợi nhuận suy giảm sẽ là lý do để nhà đầu tư tại khu vực châu Á thận trọng”.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 10 của nước này tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng đầu tiên kể từ tháng 2 năm nay có mức lạm phát năm dưới 8%.
“Đây là điều mà thị trường đã chờ đợi từ lâu. Có nhiều tiền đợi sẵn để nhảy vào thị trường”, chiến lược gia trưởng Shane Oliver của AMP Capital phát biểu với hãng tin Reuters.
Chiến lược gia tiền tệ cấp cao Rodrigo Catril của National Australia Bank nhận định rằng sau 4 lần nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm liên tiếp để chống lại tình trạng lạm phát nghiêm trọng nhất 4 thập kỷ, giờ đã đến lúc Fed có thể chuyển sang một lập trường bớt cứng rắn hơn.
Thị trường tài chính đang đặt cược khả năng 85% Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, thay vì 0,75 điểm phần trăm, trong cuộc họp tháng 12 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của sàn CME.