Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh, giá dầu giữ đà tăng
Tuần này có nhiều báo cáo kinh tế Mỹ được công bố, mang đến cho nhà đầu tư những tín hiệu thiếu đồng nhất...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (15/9), hoàn tất một tuần biến động trước cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Giá dầu thô duy trì xu thế tăng do mối lo cung không đủ cầu, hoàn tất tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 288,87 điểm, tương đương giảm 0,83%, còn 34.618,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,22%, còn 4.450,32 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,56%, còn 13.708,33 điểm.
Tính cả tuần, Dow Jones tăng 0,12%. Trong khi đó, cả S&P 500 và Nasdaq đều giảm tuần thứ hai liên tiếp, với mức giảm tương ứng là 0,16% và 0,39%.
Trong số 12 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, công nghệ thông tin là nhóm đuối nhất phiên này, chốt phiên với mức giảm 2%. Trong đó, cổ phiếu Adobe giảm hơn 4% dù trước đó một ngày, hãng phần mềm công bố kết quả kinh doanh quý tốt hơn dự báo. Cổ phiếu Arm giảm 4,2% sau phiên tăng mạnh hôm thứ Năm, khi công ty thiết kế chip này bắt đầu được giao dịch như một công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán.
Phiên này, thị trường đón nhận báo cáo về cuộc thăm dò niềm tin người tiêu dùng do Đại học Michigan thực hiện. Báo cáo cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ về mức lạm phát ở nước này sau thời gian 1 năm nữa đã giảm còn 3,1% trong cuộc khảo sát tháng 9 - kỳ vọng thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Kỳ vọng về mức lạm phát sau 5 năm nữa giảm về 2,7%, thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Kỳ vọng lạm phát có ảnh hưởng quan trọng đến lạm phát trên thực tế thông qua chi phối hành vi của người tiêu dùng. Kỳ vọng lạm phát giảm có thể khiến lạm phát trên thực tế giảm và ngược lại, từ đó tác động đến chính sách tiền tệ.
Tuần này có nhiều báo cáo kinh tế Mỹ được công bố, mang đến cho nhà đầu tư những tín hiệu thiếu đồng nhất. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm nhưng giảm chậm và còn cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed. Trong khi đó, nền kinh tế tiếp tục trụ vững sau 11 đợt nâng lãi suất, đẩy cao triển vọng về một cuộc “hạ cánh mềm”.
Trong bối cảnh như vậy, việc xác định đường đi lãi suất của Fed trở nên có phần khó khăn hơn đối với nhà đầu tư. Trước mắt, họ gần như tin chắc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kết thúc vào ngày thứ Tư tuần tới. Tuy nhiên, khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 là điều chưa thể được loại trừ.
“Nhà đầu tư trong tuần này đã có chút lạc quan khi số liệu lạm phát không chênh lệch nhiều so với kỳ vọng. Dù một vài con số trong các báo cáo lạm phát có cao hơn so với dự báo, nhà đầu tư vẫn tin rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong tuần tới. Tuy nhiên, sau khi có thêm các số liệu kinh tế khác, họ đã lùi lại một chút để nghỉ ngơi trong phiên ngày hôm nay”, chuyên gia Greg Bassuk của AXS Investments nhận định.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,23 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 93,93 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,61 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, chốt ở 90,77 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu đều đang ở mức cao nhất trong 10 tháng và tăng khoảng 4% trong tuần này. Đây là tuần tăng thứ ba liên tiếp của giá dầu, khi giá “vàng đen” được hỗ trợ bởi nỗ lực hạn chế sản lượng dầu của Nga và Saudi Arabia, cộng thêm đôi chút lạc quan về triển vọng khởi sắc nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc.
Cuối tháng trước, Nga và Saudi Arabia tuyên bố gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện của mỗi nước đến hết năm nay, thay vì đến hết tháng 10 như dự báo trước đó của thị trường. Tổng mức cắt giảm của 2 nước là 1,3 triệu thùng dầu mỗi này.
Tuần này, số liệu kinh tế Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp và doanh thu bán lẻ tháng 8 đều tốt hơn dự báo. Số liệu công bố hôm thứ Sáu cho thấy lượng dầu thô đầu vào của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, do các nhà máy này hoạt động với công suất cao để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm dầu.