Chứng khoán Mỹ giằng co vì số liệu kinh tế, giá dầu giảm mạnh
Tuần này, thị trường sẽ phải “tiêu hoá” nhiều số liệu kinh tế Mỹ quan trọng. Vào ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tổng thể của tháng 5...
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (1/6) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với chỉ số Dow Jones sụt giảm vì số liệu yếu về ngành sản xuất làm dấy lên mối lo ngại về sức khoẻ của nền kinh tế. Giá dầu thô trượt mạnh do liên minh OPEC+ có chủ trương thu hẹp dần một kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 115,29 điểm, tương đương giảm 0,3%, còn 38.571,03 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,11%, đạt 5.283,4 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,56%, đạt 16.828,67 điểm.
Cú giảm của Dow Jones chủ yếu liên quan đến những cổ phiếu có tính chu kỳ cao, gắn bó mật thiết với tăng trưởng kinh tế như cổ phiếu năng lượng, công nghiệp và nguyên vật liệu thô. Những nhóm này đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ sau khi Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố báo cáo cho thấy sự giảm tốc của lĩnh vực sản xuất.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của ISM trong tháng 5 chỉ đạt 48,7 điểm. Mức điểm dưới 50 phản ánh sự suy giảm. Báo cáo cũng cho thấy số đơn đặt hàng mới mà các nhà máy ở Mỹ nhận được trong tháng 5 giảm mạnh nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
Gần đây, giới đầu tư ở Phố Wall thường xem các tin xấu về kinh tế là tin tốt, bởi các dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, điều này có thể đã thay đổi: nhà đầu tư bắt đầu xem tin xấu thực sự là tin xấu.
Dù vậy, việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá USD cùng giảm sau báo cáo nhà quản trị mua hàng đã mang lại lợi ích cho một số nhóm cổ phiếu trong phiên này, như nhóm công nghệ, đưa S&P 500 và Nasdaq đi lên.
Một cổ phiếu giữ vai trò trụ cột của phiên đầu tháng là Nvidia, với mức tăng 5%. Cổ phiếu hãng sản xuất con chip khổng lồ này bùng nổ sau khi hãng công bố một loạt sản phẩm con chip trí tuệ nhân tạo (AI) mới - một dấu hiệu cho thấy hãng quyết tâm duy trì vị thế dẫn trước trong lĩnh vực có mức độ cạnh tranh cao này. Nvidia cho biết hãng sẽ nâng cấp kiến trúc chip AI trên cơ sở hàng năm.
Chứng khoán Mỹ vừa kết thúc một tháng 5 khả quan, với cả ba chỉ số chính cùng tăng điểm tháng thứ sáu trong vòng 7 tháng trở lại đây. Trong đó, Nasdaq tăng 6,9%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2023. Tuy nhiên, xung lực tăng của thị trường có vẻ đuối dần vào cuối tháng. Nếu so với mức kỷ lục thiết lập trong tháng 3, mức điểm chốt tháng 5 của cả ba chỉ số đều thấp hơn trên 1%.
Tuần này, thị trường sẽ phải “tiêu hoá” nhiều số liệu kinh tế Mỹ quan trọng. Vào ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tổng thể của tháng 5. Trước đó một ngày, công ty dịch vụ tuyển dụng tư nhân ADP cũng đưa ra báo cáo hàng tháng.
Nhà đầu tư muốn nền kinh tế giảm tốc để Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất, nhưng mặt khác họ cũng không muốn nền kinh tế giảm tốc quá nhiều. Bởi vậy, tin xấu về kinh tế sẽ được coi thực sự là tin xấu một khi các số liệu yếu quá mức cần thiết cho việc hạ lãi suất.
Một sự kiện quan trọng khác của tuần này là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần như chắc chắn sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày thứ Năm. Tuy nhiên, số liệu thống kê công bố vào tuần trước cho thấy lạm phát ở eurozone bất ngờ mạnh lên. Điều này khiến thị trường cho rằng ECB sẽ hạ lãi suất ít hơn 4 lần trong năm nay.
“Chúng tôi nhận thấy lạm phát sẽ hạn chế mức độ mà các ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất. Chúng tôi cho rằng họ sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn”, ông Jean Boivin - Giám đốc Viện Đầu tư Blackrock - nhận định.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 7 giảm 2,77 USD/thùng, tương đương giảm 3,6%, còn 74,22 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 2,75 USD/thùng, tương đương giảm 3,39%, còn 78,36 USD/thùng.
Dầu giảm giá do nhà đầu tư lo ngại về việc OPEC+ tuyên bố thu hẹp dần kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyên 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tại cuộc họp sản lượng vào cuối tuần vừa rồi, một nhóm gồm 8 thành viên trong liên minh tuyên bố từ tháng 10 năm nay sẽ bắt đầu thu hẹp dần kế hoạch giảm sản lượng này, đến cuối tháng 9/2025 sẽ không còn cắt giảm.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh kế hoạch sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến thị trường. Ngoài ra, OPEC+, giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh đồng minh ngoài khối, cũng giữ nguyên kế hoạch giảm sản lượng hơn 3,6 triệu thùng cho tới cuối năm 2025.
“Nhiều người xem tuyên bố của OPEC, nhất là phần nói về thu hẹp kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện, là những chỉ báo bất lợi đối với giá dầu”, chiến lược gia trưởng Helima Croft của công ty RBC Capital Markets nhận định.
Ông Bob Yawger, nhà phân tích thị trường tương lai tại ngân hàng Mizuho, cho rằng cấu trúc của thị trường dầu đang suy yếu. Ông nhận định rằng tuyên bố của OPEC+ sẽ khiến các nhà giao dịch không còn muốn mua những hợp đồng dầu lửa được giao hàng vào cuối năm nay do lo ngại giá sẽ giảm khi nguồn cung trở lại thị trường.
Còn theo ông Andrew Lipow, Chủ tịch của công ty Lipow Oil Associates, quyết định của OPEC+ sẽ hạn chế khả năng tăng giá dầu thô. Ông nhấn mạnh rằng sản lượng dầu mà các nước OPEC+ dự định bổ sung vào thị trường từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025 tương đương với dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu của OPEC là 2,2 triệu thùng/ngày trong năm nay.
“Về bản chất, số dầu mà họ dự định đưa trở lại thị trường bằng đúng với dự báo tăng trưởng nhu cầu lạc quan mà OPEC đã đưa ra cho năm 2024. Như vậy, kết quả là họ sẽ bổ sung đủ nguồn cung để đáp ứng mức tăng trưởng nhu cầu dự báo”, ông Lipow nói.