Chứng khoán Mỹ lại lập kỷ lục, giá dầu tăng mạnh
“Nói chung, các yếu tố nền tảng vẫn đang thuận lợi, nhưng chúng tôi cho rằng sẽ có những cuộc điều chỉnh trong xu hướng tăng”...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (17/2), nối tiếp đà tăng của tuần trước, với một kỷ lục đóng cửa mới được ghi nhận ở chỉ số S&P 500. Giá dầu thô cũng duy trì xu thế tăng do kỳ vọng về sự gia tăng của nhu cầu tiêu thụ dầu trong mùa hè và khả năng xuất hiện tình trạng thiếu cung vào quý 3 năm nay.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,77%, đạt 5.473,23 điểm. Nasdaq tăng 0,95%, đạt 17.857,02 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 188,94 điểm, tương đương tăng 0,49%, đạt 38.778,1 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp trước đó.
“Ngày hôm nay là một sự tiếp nối của những gì đã diễn ra trong tuần trước”, CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định với hãng tin CNBC. “Có những yếu tố khiến nhà đầu tư phải băn khoăn trong một thời gian nhưng giờ đây đang trở nên khả quan hơn. Các số liệu nhìn chung vẫn cho thấy một nền kinh tế Mỹ vững vàng, nhưng cùng với đó, nhà đầu tư cũng lạc quan hơn về khả năng cắt giảm lãi suất”.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn giữ vai trò trụ cột trong phiên tăng này, với nhóm công nghệ tăng 1,2%. Cổ phiếu Microsoft chốt phiên với mức tăng hơn 1%; Apple tăng khoảng 2%; Alphabet, Amazon và Meta Platforms cũng đồng loạt đóng cửa trong trạng thái tăng.
Cổ phiếu Nvidia đạt mức kỷ lục nội phiên mới sau khi State Street tuyên bố sẽ phân bổ hơn 20% giá trị quỹ ETF công nghệ của công ty vào cổ phiếu này, nhưng cuối cùng lại chốt phiên trong trạng thái giảm nhẹ. Cổ phiếu một hãng chip khác là Broadcom tăng 5,4%, đạt mức cao kỷ lục mới, sau khi tăng 23% trong tuần trước.
S&P 500 và Nasdaq cùng có tuần tăng thứ 7 trong vòng 8 tuần trở lại đây vào tuần trước. Khi bước sang tuần này, nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi liệu xu hướng tăng có thể duy trì. Chiến lược gia Mona Mahajan của công ty Edward Jones nói rằng ngay cả trong những thời kỳ thị trường giá lên trước kia, giá cổ phiếu không tăng theo một đường thẳng mà sẽ có những giai đoạn điều chỉnh.
“Nói chung, các yếu tố nền tảng vẫn đang thuận lợi, nhưng chúng tôi cho rằng sẽ có những cuộc điều chỉnh trong xu hướng tăng”, bà Mahajan nói, và cho biết thêm thị trường thường có 2-3 đợt điều chỉnh trong mỗi năm giao dịch.
Theo nhà phân tích cấp cao Daniela Hathorn của công ty Capital.com, nhà đầu tư không có nhiều lý do để bán cổ phiếu ở thời điểm này vì thị trường cho rằng xung lực tăng sẽ duy trì. “Tuy nhiên, việc thị trường tăng điểm chủ yếu được dẫn dắt bởi một số ít cổ phiếu cũng đồng nghĩa rằng nếu có sự điều chỉnh giảm xảy ra, thì mức độ điều chỉnh sẽ sâu”, bà Hathorn nói với hãng tin Reuters.
Tuần này không có nhiều số liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố. Dữ liệu kinh tế công bố ngày đầu tuần cho thấy hoạt động sản xuất ở bang New York cải thiện trong tháng 6 nhưng vẫn đang trong vùng suy giảm. Ngày thứ Ba, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là doanh thu bán lẻ tháng 5. Tiếp đó trong tuần sẽ là các số liệu về doanh số bán nhà và số nhà mới khởi công.
Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ quan tâm tới phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm những tín hiệu về chính sách tiền tệ.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 61,5% Fed giảm lãi suất vào tháng 9, giảm từ mức 70% của phiên trước. Các kỳ vọng về lãi suất của Fed đã biến động mạnh trong những ngày gần đây, cho thấy nhà đầu tư còn bấp bênh về tình hình chính sách tiền tệ trong thời gian còn lại của năm.
Biến động kỳ vọng lãi suất cũng được phản ánh vào lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng trở lại trong phiên ngày thứ Hai, đạt gần 4,28%, sau khi có tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm trong tuần trước.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,63 USD/thùng, tương đương tăng 1,97%, giao dịch ở mức 84,25 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,88 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, đạt 80,33 USD/thùng.
Phiên tăng này diễn ra sau khi giá hai loại dầu tăng gần 4% trong tuần trước, chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp, đồng thời là tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 4. Thị trường đang kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng trong mùa hè, kéo lượng dầu tồn trữ trên toàn cầu giảm xuống và khiến thị trường chuyển sang trạng thái thắt chặt trong quý 3.
Tuy nhiên, Giám đốc Bob Yawger của công ty Mizuho Securities nhận định rằng sự tăng giá đang diễn ra của dầu thô chủ yếu do các nhà đầu cơ mua vào để đóng trạng thái bán khống và “có thể đảo chiều ở bất kỳ thời điểm nào”. Theo ông Yawger, các số liệu kinh tế của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - và nhu cầu tiêu thụ xăng trong mùa hè cần khởi sắc mạnh mẽ để giá dầu có thể tăng cao hơn.
Các số liệu kinh tế Trung Quốc công bố ngày thứ Hai không đồng nhất: doanh thu bán lẻ vượt dự báo nhưng sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định không đạt kỳ vọng.
Bấp bênh trong triển vọng kinh tế Trung Quốc và triển vọng nhu cầu dầu vốn dĩ là những yếu tố phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư trên thị trường dầu trong thời gian gần đây. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dự báo nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong năm nay, giữ vai trò đầu tàu về tiêu thụ dầu tại các nước đang phát triển.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu với lý do sự suy yếu của nhu cầu ở Trung Quốc. Định chế này cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu ở Trung Quốc đã giảm từ 800.000 thùng/ngày trong quý 1 xuống còn 95.000 thùng/ngày trong tháng 4.
Tính từ đầu năm, giá dầu Brent đã tăng 9,3% và giá dầu WTI tăng 12,1%.