Chứng khoán Mỹ lao dốc sau báo cáo lạm phát, giá dầu nhảy hơn 5%, Bitcoin mất mốc 30.000 USD
Phiên này một lần nữa chứng kiến tình trạng chật vật của cổ phiếu công nghệ, khiến Nasdaq không thể gượng dậy nổi...
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (11/5), khi nhà đầu tư đón nhận báo cáo lạm phát tháng 4. Giá dầu bật tăng mạnh trở lại vì mối lo nguồn cung thắt chặt, trong khi giá tiền ảo sụt theo chứng khoán.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 326,63 điểm, tương đương giảm 1,02%, còn 31.834,11 điểm. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số này.
Chỉ số S&P 500 trượt 1,65%, còn 3.935,18 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 3,18%, còn 11.364,24 điểm.
Trong phiên, có lúc S&P 500 giảm còn 3.928,82 điểm, lập đáy mới của 52 tuần. Mức chốt phiên của chỉ số này cũng là mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. So với đỉnh 52 tuần, S&P 500 hiện đã giảm hơn 18%. Nếu tính từ đầu năm, chỉ số đã giảm hơn 17%.
“Mọi người đều mong giá năng lượng, thực phẩm và nhân công giảm xuống. Nhưng cơ chế của chúng ta để làm việc đó là nâng lãi suất”, chuyên gia Susan Schmidt của Aviva Investors nhấn mạnh. “Việc nâng lãi suất có những tác dụng phụ và việc này gây lo lắng cho nhà đầu tư. Họ đang cố gắng xác định xem lãi suất tăng lên sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh nói chung. Đó là lý do vì sao các chỉ số chính lại biến động mạnh như vậy.
Phiên này một lần nữa chứng kiến tình trạng chật vật của cổ phiếu công nghệ, khiến Nasdaq không thể gượng dậy nổi. Meta Platforms, Apple, Salesforce và Microsoft giảm tương ứng 4,5%; 5,2%; 3,5% và 3,3%, khi nhà đầu tư tiếp tục rút vốn khỏi các cổ phiếu tăng trưởng. Các nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin và tiêu dùng không thiết yếu tụt hơn 3%, gây áp lực nhiều nhất lên S&P 500.
Cổ phiếu dầu khí và tiện ích là những điểm sáng của phiên này. Nhờ giá dầu tăng mạnh, nhóm dầu khí hoàn tất phiên giao dịch với mức tăng khoảng 1,4%. Nhóm tiện ích tăng 0,8%.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của nước này tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 8,1% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tốc độ lạm phát đã giảm nhưng chưa giảm nhiều so với mức đỉnh của 40 năm là 8,5% thiết lập hồi tháng 3.
CPI lõi, thước đo không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 6,2%, so với dự báo tăng 6%. So với tháng trước, CPI tổng quát tăng 0,3% và CPI lõi tăng 0,6%. Một số nhà phân tích xem đây là một dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể đã đạt tới đỉnh, nhưng áp lực giá cả lớn có thể sẽ duy trì.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh.
“Với tốc độ tăng của CPI giảm từ 8,5% còn 8,3%, nhiều người muốn tin rằng lạm phát đã đỉnh. Nhưng hồi tháng 8 năm ngoái, khi câu chuyện diễn ra tương tự, chúng ta đã bị đánh lừa”, Giám đốc phân tích Greg McBride của Bankrate nhận định.
Một số nhà phân tích cho rằng dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến là một dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chậm chân trong cuộc chiến chống lạm phát, và điều đó có thể gia tăng sức ép buộc ngân hàng trung ương này phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt hơn.
Sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc nhảy qua mốc 3%, nhưng chốt phiên ở mức 2,93%.
Trưởng tư vấn kinh tế Mohamed El-Erian của Allianz nói với CNBC rằng phản ứng ban đầu của thị trường trái phiếu với báo cáo lạm phát là “hoàn toàn có thể hiểu được”, nhưng với giá cả tiếp tục tăng, nước Mỹ đang cận kề một “cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt”.
“Khủng hoảng chi phí sinh hoạt chỉ là vấn đề thời gian… Nhìn sâu vào các thành phần của lạm phát, có thể thấy đang có nhiều yếu tố cùng thúc đẩy lạm phát. Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine, mà là lạm phát trên diện rộng mà Fed đã chậm châm hơn nhiều”, ông El-Erian nhận định.
Sau khi giảm khoảng 10% trong hai phiên liên tiếp, giá dầu đã tăng mạnh trở lại trong phiên ngày thứ Tư, sau khi có tin dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu giảm và Nga trừng phạt một số công ty khí đốt châu Âu. Những diễn biến này làm gia tăng sự bấp bênh về nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 5,05 USD/thùng, tương đương tăng 4,9%, đạt 107,51 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 5,95 USD/thùng, tương đương tăng 6%, đạt 105,71 USD/thùng.
Lượng khí đốt Nga đi qua Ukraine tới châu Âu đã giảm 1/4 sau khi Kiev dừng sử dụng một tuyến vận chuyển khí đốt lớn, với lý do chiến sự. Đây là lần đầu tiên khí đốt Nga đi qua Ukraine giảm kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại rằng những gián đoạn tương tự có thể xảy ra trong lúc giá khí đốt đã tăng cao.
Trong một diễn biến khác, Nga trừng phạt 31 công ty có trụ sở ở những quốc gia đã trừng phạt Nga vì cuộc chiến tranh ở Ukraine. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã doạ cấm vận hoàn toàn dầu Nga, dù công tác đàm phán trong khối vẫn đang diễn ra. Kế hoạch này cần có sự phê chuẩn của tất cả các nước thành viên, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hungary.
“Giá dầu sẽ tiếp tục tăng nếu EU đạt được thoả thuận tiến tới cấm vận dầu Nga trong năm nay”, Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates nhận định.
Giá dầu đã tăng mạnh trong năm nay, khi chiến tranh Nga-Ukraine đặt ra mối lo lớn về nguồn cung. Hồi tháng 3, giá dầu Brent có lúc đạt 139 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, mối lo về tăng trưởng kinh tế do Trung Quốc phong toả chống Covid và Mỹ tăng lãi suất đã khiến giá dầu giảm mạnh trong hai phiên đầu tiên của tuần này.
Biến động từ thị trường chứng khoán tiếp tục chi phối diễn biến giá tiền ảo, khiến Bitcoin không giữ được mốc 30.000 USD. Lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 29.759 USD, giảm 4,6% so với cách đó 24 tiếng. Trong vòng 1 tuần, giá Bitcoin đã “bốc hơi” hơn 25%.