Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới nhờ cổ phiếu Big Tech, dầu sụt giá vì tin xấu về bất động sản Trung Quốc
Đây là lần lập kỷ lục đóng cửa thứ 6 của S&P 500 và Dow Jones từ đầu năm đến nay. Tâm lý của nhà đầu tư tiếp tục hào hứng khi bước sang tuần giao dịch mới...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (29/1), với chỉ số S&P 500 đạt mức cao kỷ lục mới, trong bối cảnh nhà đầu tư đợi loạt báo cáo tài chính của các công ty công nghệ vốn hoá lớn và cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu thô sụt giảm vì mối lo kinh tế Trung Quốc sau khi toà án ra quyết định thanh lý tài sản đối với “gã khổng lồ” bất động sản Evergrande.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,76%, chốt ở mức 4.927,93 điểm, vượt qua mức kỷ lục đóng cửa cũ thiết lập hôm 25/1.
Chỉ số Dow Jones tăng 224,02 điểm, tương đương tăng 0,59%, chốt ở mức 38.333,45 điểm, cũng là mức điểm đóng cửa cao chưa từng có của chỉ số blue-chip này. Chỉ số Nasdaq tăng 1,12%, chốt ở 15.628,04 điểm.
Đây là lần lập kỷ lục đóng cửa thứ 6 của S&P 500 và Dow Jones từ đầu năm đến nay. Tâm lý của nhà đầu tư tiếp tục hào hứng khi bước sang tuần giao dịch mới, khi tuần này là giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo tài chính quý 4/2023, với 19% số công ty thành viên của S&P 500 dự kiến sẽ công bố báo cáo trong tuần.
Thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư trong tuần này là loạt báo cáo của các công ty công nghệ vốn hoá lớn (Big Tech) bao gồm Microsoft, Apple, Meta, Amazon, và Alphabet. Đây chính là những cổ phiếu đã giữ vai trò dẫn dắt sự tăng điểm của thị trường thời gian gần đây. Một số doanh nghiệp thành viên Dow Jones cũng công bố báo cáo tài chính quý 4 trong tuần này, bao gồm hãng sản xuất máy bay Boeing và công ty dược Merck.
Về phần mình, Fed sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ đầu tiên của năm 2023 vào ngày thứ Ba và kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư. Giới đầu tư hiện tại gần như chắc chắc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 97% Fed không thay đổi lãi suất khi đưa ra tuyên bố vào buổi chiều thứ Tư theo giờ địa phương.
Tiếp đó, một báo cáo quan trọng sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu, và đó là báo cáo việc làm tổng thể tháng 1 từ Bộ Lao động Mỹ - một điểm dữ liệu sẽ ảnh hưởng tới kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất cũng như các quyết sách của Fed trong thời gian tới.
“Tuần này rất quan tọng. Để thị trường duy trì được xung lực tăng gần đây, những yếu tố cần thiết bao gồm các báo cáo tài chính từ Big Tech không gây thất vọng, tin tốt liên quan đến lãi suất Fed, và số liệu việc làm vẫn tốt nhưng không được quá nóng”, trưởng bộ phận giao dịch của công ty E-Trade, ông Chris Larkin, nhận định với hãng tin CNBC.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,15 USD/thùng, tương đương giảm 1,38%, chốt ở mức 82,4 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,23 USD/thùng, tương đương giảm 1,58%, chốt ở 76,78 USD/thùng.
Cú sụt này của giá dầu diễn ra sau khi một toà án ở Hồng Kông ngày thứ Hai ra phán quyết yếu cầu China Evergrande Group - doanh nghiệp bất động sản nặng nợ nhất thế giới - phải thanh lý tài sản. Diễn biến này khiến giới đầu tư thêm bi quan về cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ở Trung Quốc cũng như triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một khi khủng hoảng địa ốc còn chưa chấm dứt, kinh tế Trung Quốc còn khó hồi phục, và nhu cầu tiêu thụ năng lượng có thể bị hạn chế.
Trong phiên giao dịch, có lúc giá dầu tăng hơn 1% do lo ngại căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông. Hôm Chủ nhật, một vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái do phiến quân có sự hậu thuẫn của Iran thực hiện đã khiến 3 binh sỹ Mỹ thiệt mạng tại khu vực biên giới giữa Jordan và Syria - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Sau đó, giá dầu quay đầu giảm khi sự chú ý của nhà đầu tư chuyển sang thông tin về Evergrande.
“Thị trường đang đánh giá về mức độ ảnh hưởng đến giá dầu từ những tin tức liên quan đến Trung Quốc, xem những diễn biến đó có thể ảnh hưởng thế nào đến nhu cầu tiêu thụ dầu. Về tình hình Trung Đông, một phần của thị trường vẫn cho rằng xung đột sẽ không leo thang đến Iran. Nhưng một lần nữa, chúng ta đang nhích dần tới một cuộc chiến rộng hơn”, chuyên gia Helima Croft của công ty RBC Capital Markets nhận định với CNBC.
Theo vị chuyên gia này, cho tới hiện tại, giá dầu chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông nhưng điều này có thể thay đổi nếu xung đột giữa Mỹ và Iran nổ ra và dẫn tới sự gián đoạn giao thông ở eo biển Hormuz - một điểm thắt quan trọng trong chuỗi cung ứng dầu lửa toàn cầu.
“Tàu bè đi qua Biển Đỏ có thể chuyển hướng được, nhưng nếu căng thẳng lan tới eo biển Hormuz, một đoạn đường biển rất quan trọng, không phải mọi chuyến tàu đều có thể dễ dàng chuyển hướng”, bà Croft phát biểu.