Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới sau báo cáo lạm phát, giá dầu giảm, bitcoin vượt 64.000 USD
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (29/2), với chỉ số Nasdaq lập kỷ lục đóng cửa mới lần đầu tiên sau hơn 2 năm, khi số liệu thống kê cho thấy sự dai dẳng của lạm phát nhưng không cao hơn kỳ vọng của nhà đầu tư...
Giá dầu thô giảm nhẹ nhưng hoàn tất 1 tháng tăng, và giá bitcoin duy trì đà tăng mạnh của những phiên gần đây, chốt tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 2020.
Lúc đóng cửa, Nasdaq tăng 0,9%, đạt mức cao nhất trong lịch sử 16.091,92 điểm, nhờ loạt cổ phiếu công nghệ và con chip tăng rực rỡ vào cuối phiên.
Chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - cũng lập kỷ lục đóng cửa nhờ mức tăng 0,52%, đạt 5.096,27 điểm.
Chỉ số Dow Jones tăng 0,12%, đạt 38.996,39 điểm.
Đây là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, khép lại tháng tăng điểm thứ tư liên tiếp của chứng khoán Mỹ dù nhà đầu tư đương đầu với mối lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất cao hơn lâu hơn và bắt đầu hoài nghi về sự bền vững của cơn sốt cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI).
Với công nghệ là nhóm dẫn dắt xu thế tăng của toàn thị trường, Nasdaq - thước đo với cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng lớn nhất - chính là chỉ số tăng mạnh nhất trong tháng này, với mức tăng 6,12%. S&P 500 tăng 5,17% và Dow Jones tăng 2,22%, hoàn tất chuỗi 4 tháng tăng đầu tiên của chỉ số blue-chip kể từ tháng 5/2021.
Việc Nasdaq lập kỷ lục mới diễn ra trong bối cảnh sự hưng phấn của nhà đầu tư với AI giữ vai trò chất xúc tác tăng điểm loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn nói riêng và toàn thị trường nói chung trong năm 2023 và sang cả năm 2024. Nhóm cổ phiếu Magnificent 7 gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla đã đưa Nasdaq hồi phục sau một năm 2022 đầy sóng gió dưới sức ép từ lãi suất tăng và nỗi lo suy thoái kinh tế.
Phiên tăng ngày thứ Năm chứng kiến sự nổi bật của các cổ phiếu chip, trong đó cổ phiếu hãng chip AMD tăng hơn 9%.
Số liệu thống kê công bố cùng ngày cho thấy thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng duy trì ở mức cao hơn so với mục tiêu của ngân hàng trung ương này, nhưng nhà đầu tư không lo lắng nhiều vì chỉ số không vượt quá dự báo mà họ và giới phân tích đưa ra trước đó. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng yên tâm với những dấu hiệu cho thấy tiêu dùng vẫn duy trì mạnh mẽ.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 1 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả mức tăng trên cơ sở tháng và cơ sở năm đều phù hợp với dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. PCE lõi - chỉ số không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,3% trong tháng và tăng 2,4% cả năm, cũng bằng với các mức dự báo. Mục tiêu lạm phát cả năm của Fed là 2%.
“Dữ liệu này mang đến một sự giải toả cho các nhà đầu cơ giá lên, những người đã lo rằng lạm phát sẽ tăng tốc trở lại và khiến Fed phải trì hoãn lâu hơn nữa việc cắt giảm lãi suất”, giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của công ty Independent Advisor Alliance nhận định với hãng tin CNBC.
Cũng theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, thu nhập cá nhân của người Mỹ trong tháng 1 tăng 1% so với tháng trước, vượt xa mức dự báo tăng 0,3% mà giới phân tích đưa ra.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,28 USD/thùng, tương đương giảm 0,36%, chốt ở mức 78,26 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 tại London giảm 0,06 USD/thùng, còn 83,62 USD/thùng.
Tính cả tháng 2, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 3% và 2,3%. Giá “vàng đen” đang được hỗ trợ bởi khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức liên minh OPEC+, sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng 2,4 triệu thùng/ngày cho tới ít nhất hết quý 2 sau khi kế hoạch này hết hạn vào cuối quý 1 như thoả thuận hiện tại.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng hỗ trợ giá dầu, dù giá năng lượng này cũng đương đầu với áp lực giảm từ khả năng Fed hoãn việc giảm lãi suất và triển vọng kinh tế Trung Quốc chưa có gì khởi sắc.
Trên thị trường tiền ảo, giá bitcoin lúc hơn 7h sáng nay (1/3) theo giờ Việt Nam đứng ở mức hơn 61.000 USD. Đêm qua, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới có lúc vượt 64.000 USD, sau đó có thời điểm tụt về 60.000 USD do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư.
Tuần này, giá bitcoin đã tăng khoảng 20%. Tính cả tháng 2, giá bitcoin tăng gần 45%, đánh dấu tháng tăng thứ 6 liên tiếp và là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2020.
Đồng tiền ảo lớn thứ nhì là ether đang dao động trên mốc 3.300 USD, tăng gần 13% trong tuần này và đã tăng 47% trong tháng 2, đánh dấu tháng tăng thứ 6 liên tiếp và là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2022.
Tháng 2 vừa qua là một tháng rực rỡ của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) bitcoin giao ngay ở Mỹ. Riêng vào hôm thư Tư tuần này, các quỹ này hút được lượng vốn ròng 677 triệu USD, đánh dấu ngày giao dịch thứ ba liên tiếp có lượng vốn ròng chảy vào đạt hơn 500 triệu USD.
Ngoài sự hưng phấn với các quỹ ETF bitcoin giao ngay, thị trường tiền ảo còn đang được hỗ trợ bởi sự kiện halving (phân đôi) của bitcoin dự kiến diễn ra vào tháng 4.
Ngoài ra, tháng 2 cũng thường là một tháng tăng của cả bitcoin và ether. Trong tháng 2 của 12 năm qua, bitcoin đã có 10 lần hoàn tất tháng với thành quả tăng, và mức tăng bình quân là 15,7% - theo dữ liệu từ CoinGlass. Tương tự, ether đã tăng trong 7 tháng 2 của 8 năm kể từ khi tiền ảo này ra đời, với mức tăng bình quân là 17,2%.