Chứng khoán Mỹ mất điểm sau báo cáo GDP, giá dầu tăng vì tin Trung Đông
Sau khi báo cáo GDP được công bố, các nhà giao dịch tiếp tục giảm bớt kỳ vọng vào việc Fed hạ lãi suất...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (25/4) sau khi số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế giảm tốc mạnh và lạm phát cao dai dẳng. Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn có một phiên tăng do nhà đầu tư lo ngại bất ổn địa chính trị ở Trung Đông có thể leo thang trở lại
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 375,12 điểm, tương đương giảm 0,98%, còn 38.085,8 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,46%, còn 5.048,42 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,64%, còn 15.611,76 điểm.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của nước này tăng 1,6%. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Không chỉ mang tới tin xấu về tăng trưởng, bản báo cáo còn mang tới tin xấu về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, một sự tăng tốc mạnh so với mức tăng 1,8% ghi nhận trong quý trước. Số liệu này làm gia tăng mối lo về sự dai dẳng của lạm phát và củng cố mối hoài nghi về việc liệu Fed có thể sớm cắt giảm lãi suất.
Giới phân tích nhận định bản báo cáo cho thấy dấu hiệu của môi trường “stagflation” - tăng trưởng yếu kết hợp với lạm phát cao - có thể đặt ra trở ngại lớn cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
“Trong ngắn hạn, những số liệu này có vẻ không ‘bật đèn xanh’ cho cả các nhà đầu cơ giá lên và giá xuống… Tuy nhiên, sự bấp bênh mà báo cáo mang tới sẽ không giúp giải toả những sức ép mà thị trường đang trải qua trong đợt giảm này, đợt giảm sâu nhất kể từ năm ngoái”, Giám đốc Chris Larkin của bộ phận E*Trade thuộc ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nhận định.
Sau khi báo cáo GDP được công bố, các nhà giao dịch tiếp tục giảm bớt kỳ vọng vào việc Fed hạ lãi suất. Thị trường lãi suất tương lai phản ánh khả năng Fed chỉ có một lần giảm lãi suất trong năm nay - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất phiên này, dưới áp lực từ mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn. Meta - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook - chứng kiến cổ phiếu giảm 10,5% sau khi công bố dự báo kém hấp dẫn về kết quả kinh doanh quý 2. Cổ phiếu hãng chip IBM giảm 8,3% do doanh thu quý 1 không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư.
Báo cáo GDP đã khiến giá dầu thô đuối sức trong nửa đầu phiên, nhưng các nhà giao dịch nhanh chóng nhận ra rằng thị trường vẫn đang thắt chặt và tình hình Trung Đông vẫn chưa hết rủi ro - theo Giám đốc Manish Raj của công ty Velandera Energy Partners.
Mối lo địa chính trị lại nổi lên khi Israel tiến hành không kích Rafah ở dải Gaza, chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng bộ binh vào thành phố này. Động thái của Israel diễn ra bất chấp cảnh báo của các nước đồng minh rằng một chiến dịch như vậy sẽ làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,99 USD/thùng, tương đương tăng 1,12%, chốt ở mức 89,01 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,76 USD/thùng, tương đương tăng 0,92%, chốt ở mức 83,57 USD/thùng.
Trước phiên tăng này, giá dầu đã giảm trong phiên ngày thứ Tư, khi ngân hàng Goldman Sachs cho rằng lượng tồn trữ dầu toàn cầu đang tăng lên.
Theo một báo cáo của công ty Piper Sandler, giá dầu đã mất đi 2,5 USD/thùng trong phần bù rủi ro địa chính trị kể từ tuần trước, do căng thẳng giữa Israel và Iran xuống thang. Báo cáo này nhận định giá dầu đang di chuyển ngang nhưng dư địa giảm có vẻ hạn chế.
Nhà phân tích Jan Stuart của Piper Sandler cho rằng khả năng kinh tế Mỹ suy thoái là rất thấp, vì tỷ lệ thất nghiệp của nước này đang thấp, tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn ổn, và triển vọng tăng trưởng không đến nỗi tệ. Điều đó đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ dầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ duy trì vững.