Chứng khoán Mỹ mất điểm vì số liệu lạm phát nóng hơn dự báo, giá dầu lên đỉnh 3 tháng
Những điểm dữ liệu lạm phát của Mỹ công bố trong tuần này dẫn tới mối lo rằng Fed phải đợi đến nửa sau của năm nay mới có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/2), khi một báo cáo nữa trong tuần này cho thấy lạm phát giảm chậm hơn dự báo, làm dấy lên mối lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ lùi thời gian bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái do căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở Trung Đông.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,48%, còn 5.005,57 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 145,13 điểm, tương đương giảm 0,37%, còn 38.627,99 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 0,82%, còn 15.775,65 điểm.
Hoàn tất một tuần giảm, cả ba chỉ số chính cùng chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó. Áp lực mất điểm của phiên này đến từ báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 1 do Bộ Lao động Mỹ công bố.
Báo cáo cho thấy trong tháng đầu năm, lạm phát giá hàng hoá tại cổng nhà máy là 0,3% so với tháng trước, thay vì 0,1% như dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, PPI lõi tăng 0,5%, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 0,1%.
Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố vào hôm thứ Ba tuần này cũng cho thấy mức tăng cao hơn so với kỳ vọng. Những điểm dữ liệu này dẫn tới mối lo rằng Fed phải đợi đến nửa sau của năm nay mới có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Kỳ vọng trên đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm nhảy lên mức 4,3% sau khi báo cáo PPI được công bố. Có thời điểm, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt mốc 4,7%, cao nhất kể từ tháng 12.
Thị trường đã trải qua một tuần nhiều biến động, khi nhà đầu tư thận trọng đánh giá về tình trạng và triển vọng kinh tế Mỹ nhằm mục đích xác định thời điểm mà Fed có thể tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Sau báo cáo CPI hôm thứ Ba, Dow Jones đã có phiên giảm mạnh nhất trong gần 1 năm. Trong hai phiên ngày thứ Tư và thứ Năm, thị trường tăng điểm trở lại, trong đó phiên ngày thứ Năm ghi nhận một mức đóng cửa cao kỷ lục mới của S&P 500.
CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nói với hãng tin CNBC rằng nhà đầu tư nên lường trước tình trạng biến động tiếp diễn trong thời gian tới. Cho tới gần đây, phần lớn giới đầu tư ở Phố Wall đều tin rằng “việc cắt giảm lãi suất sẽ được khởi động ngay trong nửa đầu năm, nhưng bây giờ, ngày càng có vẻ là Fed sẽ trì hoãn việc đó đến nửa sau của năm” - ông Bassuk nhấn mạnh.
“Sự giằng co của thị trường thực sự phản ánh những tác động trái chiều của một bên là lạm phát còn dai dẳng - yếu tố nói lên rằng lãi suất sẽ không sớm giảm - và một bên là lợi nhuận khả quan của các công ty niêm yết và những dấu hiệu khác về một nền kinh tế đang mạnh - yếu tố củng cố niềm tin của nhà đầu tư về tăng trưởng tiếp diễn trong thời gian tới”, vị CEO đầu tư nói thêm.
Giá dầu thô WTI giao tháng 3 tại thị trường New York tăng 1,16 USD/thùng, tương đương tăng 1,49%, chốt ở mức 79,19 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 tại London tăng 0,61 USD/thùng, đạt 83,47 USD/thùng.
Tuần này, giá dầu WTI tăng khoảng 3% và kết thúc tuần ở mức cao nhất kể từ ngày 6/11. Giá dầu Brent tăng 1,5% trong tuần này, chốt tuần ở mức cao nhất kể từ hôm 26/1.
“Căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn ở Trung Đông, và các nhà đầu cơ dầu đang tranh thủ cơ hội này. Họ đặt cược rằng sẽ có điều gì đó xảy ra”, chiến lược gia Bob Yawger của ngân hàng Mizuho America nhận định với hãng tin Reuters.
Các cuộc xung đột đang leo thang ở biên giới giữa Israel và Lebanon, một lần nữa làm dấy lên lo ngại cuộc chiến tranh ở Gaza có thể lan ra Trung Đông.
Tuần này, Israel ném bom khu vực miền Nam Lebanon sau khi xảy ra các cuộc tấn công rocket nhằm vào miền Bắc của Israel. Phiến quân Hezbollah thân Iran đã thề sẽ tấn công Israel. Về phần mình, Israel tuyên bố sẽ đẩy mạnh thế tiến công trên dải Gaza tới thành phố miền Nam Rafah, dẫn tới căng thẳng gia tăng với Ai Cập - quốc gia có biên giới với Rafah.
Trước phiên tăng ngày thứ Sáu, giá dầu đã tăng trong phiên ngày thứ Năm bất chấp dự báo bất lợi về cung-cầu dầu năm 2024 mà Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra. Theo báo cáo của IEA, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, so với mức tăng 2,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Trong khi đó, nguồn cung dầu ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) được IEA dự báo tăng 1,7 triệu thùng/ngày.
Hôm thứ Ba, báo cáo định kỳ của OPEC lại đưa ra một bức tranh thị trường dầu có lợi hơn cho giá dầu trong năm nay. Trong đó tổ chức này dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, vượt xa mức tăng trưởng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC được dự báo ở mức 1,2 triệu thùng/ngày.