Chứng khoán Mỹ “nín thở” đợi báo cáo việc làm, giá dầu tăng nhờ lạc quan lãi suất
Phố Wall đang ngóng chờ bản báo cáo việc làm khu vực phi nông nghiệp tháng 5 của Mỹ để tìm kiếm những dấu hiệu về một thị trường việc làm suy yếu - nhân tố có thể dẫn tới việc Fed sớm cắt giảm lãi suất...
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (6/6) với mức giảm nhẹ của các chỉ số, trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm vào ngày thứ Sáu. Giá dầu thô tăng có phiên thứ hai liên tiếp, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất và thị trường lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hành động tương tự vào tháng 9.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,02%, còn 5.352,96 điểm. Trước đó, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã lập kỷ lục cả đóng cửa và nội phiên trong phiên ngày thứ Tư.
Chỉ số Nasdaq giảm 0,09%, còn 17.173,12 điểm. Tương tự S&P 500, chỉ số có các cổ phiếu công nghệ chiếm đa số này cũng thiết lập đỉnh cao mọi thời đại trong phiên trước.
Chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm 0,2%, tương đương giảm 78,84 điểm, còn 38.886,17 điểm.
Nhà đầu tư ở Phố Wall đang ngóng chờ bản báo cáo việc làm khu vực phi nông nghiệp tháng 5 của Mỹ để tìm kiếm những dấu hiệu về một thị trường việc làm suy yếu - nhân tố có thể dẫn tới việc Fed sớm cắt giảm lãi suất. Gần đây, một số dấu hiệu về tình trạng đuối sức của thị trường việc làm và hoạt động tiêu dùng đã giúp nhà đầu tư giải toả bớt nỗi lo trước đó rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo được 190.000 công việc mới trong tháng 5. Số liệu được công bố cao hơn hay thấp hơn con số dự báo này đều có thể dẫn tới dịch chuyển kỳ vọng lãi suất, gây biến động giá tài sản.
“Đối với tôi, thị trường vẫn đang nói lên một điều rằng nền kinh tế vẫn ổn và không có dấu hiệu nào của sự suy thoái. Nhưng vấn đề ở đây là rất có thể Fed đã giữ lãi suất thắt chặt trong thời gian quá dài và đà suy yếu của thị trường việc làm sẽ khó mà cản được một khi đã xuất hiện”, nhà phân tích chiến lược Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin CNBC.
Điều mà nhà đầu tư mong muốn hiện nay là kinh tế Mỹ giảm tốc vừa đủ để Fed có thể giảm lãi suất, thay vì sụt tốc hay rơi vào suy thoái. Sự giảm tốc vừa đủ đồng nghĩa rằng những tín hiệu suy yếu của kinh tế Mỹ sẽ được thị trường đón nhận như tin tốt. Ngược lại, một sự sụt tốc mạnh đồng nghĩa tin xấu chính là tin xấu. Kịch bản tồi tệ nhất mà thị trường nghĩ đến là nền kinh tế sụt tốc nhưng lạm phát duy trì dai dẳng cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ sẽ được đưa ra một ngày sau động thái hạ lãi suất của ECB. Vào ngày thứ Năm, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của khu vực đồng eurozone đã tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2019. Việc ECB hạ lãi suất được một số chuyên gia nhìn nhận là gây áp lực lên Fed để nới lỏng chính sách tiền tệ. Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed sẽ diễn ra vào tuần tới và Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này, nhưng thị trường đang gia tăng đặt cược rằng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9.
Trước ECB, Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đã hạ lãi suất vào hôm thứ Tư, trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cắt giảm lãi suất.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,48 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở mức 75,55 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 1,46 USD/thùng, tương đương tăng 1,86%, chốt ở mức 79,87 USD/thùng.
Đây là phiên tăng thứ hai liên tiếp của giá dầu, sau khi giá “vàng đen” giảm hai phiên liên tiếp trước đó do phản ứng của thị trường với việc OPEC+ dự định nâng dần sản lượng trở lại bắt đầu từ tháng 10 năm nay. Giá dầu đang phục hồi nhờ sự hỗ trợ bởi động thái giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trong tuần này và kỳ vọng rằng Fed cũng sẽ sớm giảm lãi suất.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 70% Fed giảm lãi suất vào tháng 9. Lãi suất giảm sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga dự kiến từ tháng 10 năm nay sẽ bắt đầu thu hẹp kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày.
Chiến lược gia Ryan McKay của công ty TD Securities nhận định việc giá dầu bật tăng trở lại trong hai phiên vừa qua có thể là một dấu hiệu cho thấy thị trường đã hình thành được một mức đáy.
Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng Saudi Arabia và Nga, hai thủ lĩnh không chính thức của OPEC+, có thể sẵn sàng duy trì việc giảm sản lượng tự nguyện cho tới cuối năm nay nếu nhu cầu không đủ mạnh để hấp thụ phần sản lượng mà liên minh dự kiến đưa trở lại thị trường. Ngoài ra, lượng dầu tồn trữ trên toàn cầu hiện đang tăng lên nhưng có thể dịch chuyển sang trạng thái giảm vào quý 3 năm nay.
“Chúng tôi cho rằng thị trường đã có phản ứng quá mức khi bán tháo sau cuộc họp vừa rồi của OPEC+. Các chỉ báo về nhu cầu đúng là có giảm gần đây, nhưng đó không phải là một sự sụt giảm mạnh mẽ”, nhà phân tích Amarpreet Singh của ngân hàng Barclays viết trong một báo cáo vào ngày thứ Năm.