Chứng khoán Mỹ sụt điểm vì nỗi lo First Republic Bank sụp đổ, giá dầu “bốc hơi” gần 4%
Mối lo của nhà đầu tư về nguy cơ “sập tiệm” của First Republic Bank lấn át niềm lạc quan về kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ lớn...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (26/4), khi mối lo của nhà đầu tư về nguy cơ “sập tiệm” của First Republic Bank lấn át niềm lạc quan về kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ lớn. Nỗi lo suy thoái kinh tế khiến giá dầu trượt gần 4%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 228,96 điểm, tương đương giảm 0,68%, còn 33.301,87 điểm, dù có lúc tăng hơn 100 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,38%, chốt ở 4.055,99 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,47%, còn 11.854,35 điểm, dù có lúc tăng tới 1,43% trong phiên.
Cổ phiếu First Republic Bank giảm thêm gần 30% trong phiên này, sau khi giảm xấp xỉ 50% trong phiên ngày thứ Ba. Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu First Republic sau khi ngân hàng khu vực có trụ sở ở California vào hôm hôm thứ Hai tiết lộ rằng lượng tiền gửi của khách giảm 40% trong tháng 1, còn 104,5 tỷ USD.
Tiết lộ này của First Republic Bank thổi bùng trở lại mối lo về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng. Hồi tháng 3, thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu đã chao đảo vì cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng lên sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Giới quan sát vốn dĩ đã lo ngại First Republic Bank có thể trở thành “quân cờ domino” tiếp theo đổ xuống trong cuộc khủng hoảng.
Hãng tin Bloomberg ngày thứ Tư đưa tin cơ quan chức năng Mỹ đang cân nhắc giảm đánh giá đối với First Republic Bank - một động thái có thể cản trở khả năng của nhà băng này trong việc vay tiền từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Cổ phiếu Microsoft tăng hơn 7%, đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm, sau khi hãng phần mềm khổng lồ công bố báo cáo tài chính quý 1 với doanh thu và lợi nhuận đều vượt kỳ vọng của Phố Wall. Microsoft cũng cho biết doanh thu từ mảng điện toái đám mây thông minh (Intelligent Cloud) tăng mạnh.
Cổ phiếu Amazon tăng hơn 2% nhờ lạc quan của thị trường rằng “đế chế” thương mại điện tử Mỹ cũng sẽ chứng kiến doanh thu tăng trưởng mạnh ở mảng đám mây. Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của Amazon sẽ được công bố vào ngày thứ Năm.
Dù đạt lợi nhuận quý 1 tốt hơn dự báo, Alphabet - công ty mẹ của công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới Google - chỉ đạt tăng trưởng doanh thu 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến nhà đầu tư ít nhiều thất vọng và cổ phiếu Google chốt phiên với mức giảm 0,1%.
Cổ phiếu Meta Platforms, công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, đóng cửa với mức tăng 0,9%. Meta sẽ công bố báo cáo tài chính quý 1 sau khi thị trường đóng cửa phiên ngày thứ Tư.
“Các báo cáo tài chính khả quan không đủ làm chất xúc tác để đưa thị trường tăng điểm”, nhà phân tích Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin CNBC. “Các Big Tech đã có một số báo cáo tài chính tốt, nhưng thị trường đã tăng điểm từ trước mùa báo cáo này, nên các kết quả kinh doanh cần phải vượt trội để kích thị trường lên cao hơn. Điều đó chưa xảy ra, nhất là khi thị trường còn phải đối mặt với những trở ngại khác nữa”.
Số liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy nhu cầu hàng hoá lâu bền như trang thiết bị và máy tính trong nền kinh tế Mỹ tháng 3 là cao hơn dự kiến của giới phân tích. Đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang vững, sau những thống kê gần đây cho thấy sự suy yếu.
Thị trường sẽ đón nhận báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào ngày thứ Năm, và tiếp đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - vào ngày thứ Sáu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,08 USD/thùng, tương đương giảm 3,8%, còn 77,69 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,77 USD/thùng, tương đương giảm 3,6%, còn 74,3 USD/thùng.
Phiên giảm này của giá dầu nối tiếp phiên giảm hơn 2% vào hôm thứ Ba, diễn ra bất chấp báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này trong tuần trước giảm 5,1 tiệu thùng, còn 460,9 triệu thùng. Cú giảm này vượt xa mức dự báo giảm 1,5 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Lượng tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất cũng giảm tương ứng 2,4 triệu thùng, còn 221,1 triệu thùng và 600.000 thùng còn 111,5 triệu thùng.
“Thị trường có vẻ đang lo về suy thoái sắp xảy ra, nhưng một số thống kê của EIA giúp hạn chế bớt mức giảm của giá dầu”, chuyên gia Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates nhận định.
Đến nay, giá dầu đã để mất toàn bộ thành quả tăng có được sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+, hồi đầu tháng 4 tuyên bố giảm thêm sản lượng cho tới cuối năm.
Thị trường đang đương đầu với áp lực từ mối lo suy thoái kinh tế và lãi suất tăng. Một số dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ có vẻ đang trượt vào suy thoái. Trong đó, báo cáo công bố hôm thứ Tư cho thấy niềm tin của người tiêu dùng nước này giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng.
Giới đầu tư lo ngại lãi suất tiếp tục tăng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc và gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều được dự báo sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tới. Trong đó, cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào ngày 2-3/5.