Chứng khoán Mỹ tăng dè dặt dù cổ phiếu Tesla bùng nổ, giá dầu đi xuống vì nỗi lo suy thoái
Nhà đầu tư ở Phố Wall đang sợ bỏ lỡ cơ hội về một đợt tăng rực rỡ nữa của thị trường trong nửa sau của năm nay, dù Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (3/7), một sự khởi động khá im ắng cho quý 3 và nửa cuối năm, bất chấp sự bùng nổ của cổ phiếu Tesla. Giá dầu thô đi xuống, khi nhà đầu tư lo lắng nhiều về sự giảm tốc của nền kinh toàn cầu hơn là sự thắt chặt của nguồn cung.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 10,87 điểm, tương đương tăng 0,03%, đạt 34.418,47 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,12%, chốt ở 4.455,59 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,21%, đạt 13.816,77 điểm.
Cổ phiếu Tesla tăng 6,9% sau khi hãng sản xuất xe điện công bố sản lượng và số xe được giao tới khách mua vượt kỳ vọng của giới phân tích. Loạt cổ phiếu xe điện khác, gồm Rivian, Fisker và Lucid cũng tăng theo.
Phố Wall đã đi được một nửa chặng đường của năm 2022 với mức tăng rực rỡ của giá cổ phiếu. Trong 6 tháng, Nasdaq tăng 31,7%, đánh dấu nửa đầu năm tốt nhất kể từ năm 1983; S&P 500 tăng 15,9%, tốt nhất kể từ 2019; và Dow Jones tăng 3,8%.
Phiên đầu tuần, đầu tháng và đầu quý, thị trường rút ngắn thời gian giao dịch trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ vào ngày 4/7.
Thời gian qua, giá cổ phiếu ở Mỹ được thúc đẩy nhiều bởi sự hưng phấn của nhà đầu tư về trí tuệ nhân tạo (AI) - “cơn sốt” đã tạo ra một cú huých lớn cho cổ phiếu công nghệ, kéo toàn thị trường đi lên. Ngoài ra, các số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ, giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và xoa dịu mối lo ở Phố Wall về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài.
“Nhà đầu tư đang nói rằng: ‘Ông thì biết cái gì? Hình như giờ là lúc để thay đổi quan điểm từ ‘ồ không’ sang ‘FOMO’ (fear of missing out, sợ bỏ lỡ cơ hội’)”, chiến lược giam trưởng Sam Stovall của CFRA Research nói với hãng tin CNBC. “Thay vì lo lắng thái quá, nhà đầu tư có vẻ muốn đảm bảo chắc chắn một điều là họ không bỏ lỡ khả năng có một nửa cuối năm tuyệt vời trên thị trường, sau khi nửa đầu năm đã khởi sắc như vậy”.
Ngày thứ Hai, Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 thấp hơn một chút so với kỳ vọng của giới phân tích. Chỉ số được đưa ra ở mức dưới 50 điểm, một tín hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế đang suy yếu. Tuần này, thị trường còn đón nhận một thống kê rất quan trọng khác là báo cáo việc làm tháng 6 từ Bộ Lao động Mỹ.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,76 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 74,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,85 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 69,79 USD/thùng.
Tuyên bố giảm sản lượng khai thác dầu trong tháng 8 của hai nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới Saudi Arabia và Nga không đủ để lấn át mối lo của thị trường “vàng đen” về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất.
Saudi Arabia tuyên bố sẽ kéo dài đợt cắt giảm sản lượng từ nguyện 1 triệu thùng dầu/ngày thêm 1 tháng nữa cho tới hết tháng 8. Về phía Nga, Phó thủ tướng Alexander Novak cho biết nước này sẽ giảm lượng xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Giá dầu đã tăng sau khi những tuyên bố này được đưa ra, nhưng nhanh chóng chuyển sang trạng thái giảm sau khi dữ liệu về ngành sản xuất tại các nền kinh tế lớn như Mỹ cho thấy hoạt động của các nhà máy sụt giảm trong tháng 6. Nhu cầu trầm lắng ở Trung Quốc và châu Âu phủ bóng lên triển vọng của các nhà xuất khẩu.
Trong khi đó, số liệu công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, ít nhất là trong cuộc họp tháng 7 này.
Lãi suất tăng có thể sẽ khiến tăng trưởng kinh tế suy yếu hơn nữa, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Chưa kể, lãi suất ở Mỹ tăng có khả năng đẩy đồng USD tăng giá, gây áp lực giảm lên giá dầu vì dầu được định giá bằng USD.
“Giá dầu đang đối mặt với nhiều trở ngại kinh tế nghiêm trọng và thị trường đang cố gắng xác định xem việc cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh như vậy”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định với hãng tin Reuters.
Tổng mức cắt giảm sản lượng mà Nga và Saudi Arabia vừa công bố tương đương 1,5% nguồn cung dầu toàn cầu, và nâng tổng mức cắt giảm sản lượng mà OPEC+ cam kết lên 5,16 triệu thùng/ngày. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Thời gian qua, Riyadh và Moscow đã có nhiều nỗ lực để vực dậy giá dầu nhưng không mấy thành công. Giá dầu Brent đã giảm từ mức 113 USD/thùng cách đây 1 năm, dưới áp lực từ sự giảm tốc kinh tế và nguồn cung dồi dào.
Tuy nhiên, nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil cho rằng nhà đầu tư dầu lửa sẽ trở nên lạc quan hơn về triển vọng hồi phục của giá dầu trong nửa sau của năm nay. “Họ kỳ vọng nguồn cung dầu sẽ thắt lại và sự tăng điểm của thị trường chứng khoán là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ tránh được suy thoái, dù là trong gang tấc”.