Chứng khoán Mỹ tăng điểm bất chấp cổ phiếu Deutsche Bank bị bán tháo, dầu sụt giá
Vào buổi sáng, cổ phiếu Deutsche Bank niêm yết ở Mỹ bị bán tháo, gây áp lực lên tâm lý thị trường và các chỉ số chính...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/3), trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng lan tới Deutsche Bank. Dầu thô trượt giá khi bất ổn ngân hàng che mờ triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 132,28 điểm, tương đương tăng 0,41%, chốt ở 32.237,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,56%, đạt 3.970,99 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,31%, đạt 11.823,96 điểm.
Cả ba chỉ số cùng hoàn tất một tuần tăng điểm, cho dù mối bất an về hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu vẫn như một đám mây đen lơ lửng trong tâm trí nhà đầu tư. Tính cả tuần, Dow Jones tăng 0,4%; S&P 500 tăng 1,4%; và Nasdaq tăng 1,6%.
Một nhân tố quan trọng đưa thị trường hồi phục trong tuần này sau đợt bán tháo của tuần trước là cổ phiếu ngân hàng khu vực tăng trở lại. Phiên ngày thứ Sáu, quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF chuyên cổ phiếu ngân hàng khu vực tăng hơn 3%, chốt tuần với mức tăng 0,18%.
Vào buổi sáng, cổ phiếu Deutsche Bank niêm yết ở Mỹ bị bán tháo, gây áp lực lên tâm lý thị trường và các chỉ số chính. Sau đó, cổ phiếu nhà băng Đức thu hẹp độ giảm và đóng cửa với mức giảm 3,11% dù trong phiên có lúc giảm 7%.
Nhà đầu tư ồ ạt bán Deutsche Bank sau khi giá hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của ngân hàng này tăng mạnh dù không có một chất xúc tác cụ thể nào. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về sức khoẻ của của hệ thống ngân hàng châu Âu. Mới đây, nhà chức trách Thuỵ Sỹ đã buộc ngân hàng lớn nhất nước này mua lại ngân hàng lớn thứ nhì Credit Suisse. Khi cổ phiếu Deutsche thoát đáy của phiên, các chỉ số chính của Phố Wall cũng hồi phục theo.
“Tôi cho rằng thị trường nói chung không phải là hoảng loạn và cũng chẳng lạc quan vào lúc này. Thị trường đang trong trạng thái băn khoăn. Biến động giá cổ phiếu trong vòng một tháng rưỡi qua, bao gồm phiên ngày hôm nay, là một sự giằng co không rõ định hướng”, Chủ tịch Georgie Ball của Sanders Morris Harris nhận định với hãng tin CNBC.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cố gắng xoa dịu mối lo, nói rằng các ngân hàng ở Eurozone vững vàng nhờ vị thế vốn và thanh khoản đều mạnh. Bà Lagarde nói ECB có thể bơm thêm thanh khoản vào hệ thống nếu cần.
Dù vậy, chứng khoán châu Âu đã có một phiên đỏ lửa, với chỉ số Stoxx 600 của khu vực chốt phiên giảm 1,37%. Chỉ số Dax của thị trường Đức giảm 1,66%; FTSE của Anh mất 1,26%; và CAC của Pháp giảm 1,74%.
Phiên này, nhà đầu tư tiếp tục đánh giá động thái chính sách tiền tệ mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hôm thứ Tư, Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm nhưng phát tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này có thể sắp kết thúc. Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng các điều kiện tín dụng đã thắt lại và có thể gây áp lực lên nền kinh tế.
Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói nhà chức trách đã sẵn sàng triển khai thêm các biện pháp cần thiết để bình ổn ngân hàng. Phát biểu này của bà Yellen là một phần trong nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Ông Ball nhận định Deutsche Bank “rất mạnh về tài chính”, cho rằng thị trường đang “phản ứng quá mức” với những biến động ngân hàng gần đây ở Mỹ và Thuỵ Sỹ. “Deutsche có thể biến dạng nếu có một sự mất mát niềm tin lớn và bị khách rút tiền ồ ạt. Tuy nhiên, hiện tại không có lý do căn bản nào để dẫn tới tình trạng như thế, ngoài sự bất an mà thôi”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,92 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, chốt ở 74,99 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,7 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 69,26 USD/thùng.
Mối lo khủng hoảng ngân hàng dịu bớt đã giúp giá dầu khởi sắc trong tuần này, với giá dầu Brent tăng 2,8% và giá dầu WTI tăng 3,8% cả tuần. Trong tuần trước, giá hai loại dầu đều giảm hơn 9%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong nhiều tháng, do cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ và Thuỵ Sỹ gây chấn động trên khắp các thị trường tài sản có độ rủi ro cao hơn.
Phiên ngày thứ Sáu, biến động giá cổ phiếu ngân hàng Deutsche Bank khiến giới đầu tư trên thị trường dầu lo lắng. Ngoài ra, đồng USD tăng giá trở lại trong phiên này sau chuỗi phiên giảm liên tiếp cũng gây áp lực mất giá lên dầu thô.
Tuy nhiên, kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh của nhu cầu dầu ở Trung Quốc đang giữ vai trò một nhân tố quan trọng hãm bớt đà giảm giá của dầu. Theo số liệu của ngân hàng Goldman Sachs, nhu cầu dầu ở Trung Quốc đang ở mức cao hơn 16 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, Nga - nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới - cũng đang cắt giảm sản lượng. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng kế hoạch cắt giảm sản lượng 500.000 thùng dầu mỗi ngày mà nước này công bố trước đây sẽ lấy mức cơ sở là sản lượng 10,2 triệu thùng/ngày vào tháng 2 - thông tấn RIA Novosti đưa tin. Điều này có nghĩa là Nga sẽ khai thác 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày trong thời gian từ tháng 3-6, ít hơn nhiều so với tín hiệu của Moscow trước đây.