Chứng khoán Mỹ tăng điểm dù PPI nóng hơn dự báo, giá dầu giảm
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (15/5), bất chấp dữ liệu thống kê cho thấy áp lực giá cả nóng hơn so với kỳ vọng và nhà đầu tư hồi hộp đợi thêm một báo cáo lạm phát quan trọng nữa...
Trong khi đó, mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn khiến giá dầu thô giảm khá mạnh.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 126,6 điểm, tương đương tăng 0,32%, chốt ở mức 39.558,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,48%, đạt mức 5.246,68 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,75%, đạt kỷ lục 16.511,18 điểm.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 4 của Mỹ cao hơn dự báo, làm suy yếu kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. So với tháng trước, PPI tăng 0,5%, cao hơn mức tăng 0,3% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Ban đầu, thị trường giảm điểm sau khi dữ liệu trên được công bố, nhưng sắc xanh dần trở lại với các chỉ số khi số liệu PPI tháng 3 được điều chỉnh thành giảm 0,1%. Việc PPI tháng 3 giảm thay vì tăng như trong lần công bố trước đã xoa dịu một phần mối lo của nhà đầu tư về sự dai dẳng của lạm phát.
Ngoài ra, giới phân tích cho rằng nhà đầu tư cũng không muốn phản ứng quá mức với báo cáo PPI trước khi một báo cáo lạm phát quan trọng hơn được công bố. Đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Tư.
Theo chiến lược gia trưởng Megan Horneman của công ty tư vấn đầu tư Verdence Capital Advisors, ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư có thể chưa lường hết được khả năng lạm phát sẽ duy trì ở mức như vậy.
“Thị trường vẫn đang có chút tự mãn. Họ đã quen với những lời mềm mỏng của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Theo quan điểm của chúng tôi, nhà đầu tư càng phớt lờ những gì đang diễn ra với lạm phát, rủi ro thị trường điều chỉnh tại một thời điểm nào đó sẽ càng lớn”, bà Hornemann cảnh báo.
Phiên tăng này của giá cổ phiếu ở Phố Wall cũng diễn ra bất chấp những cảnh báo mới của ông Powell. Phát biểu tại Amsterdam, Hà Lan, nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói rằng Fed sẽ cần phải kiên nhẫn trong khi đợi đến lúc có thể cắt giảm lãi suất vì lạm phát đang cao hơn so với kỳ vọng.
Trước phiên tăng này, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai, với Dow Jones đứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp trước đó. Trong phiên đầu tuần, thị trường đương đầu với áp lực đến từ một báo cáo của Fed chi nhánh New York cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng tăng trong tháng 4.
Có thể thấy rằng mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn vẫn đang là một mối bận tâm của nhà đầu tư. Trong bối cảnh như vậy, các số liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự báo đều có thể làm gia tăng kỳ vọng lạm phát và gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,98 USD/thùng, tương đương giảm 1,18%, chốt ở mức 82,38 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 1,1 USD/thùng, tương đương giảm 1,39%, còn 78,02 USD/thùng.
Dầu giảm giá vì áp lực từ mối lo Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức giảm được hạn chế do căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở Trung Đông và vụ cháy rừng ở Canada có nguy cơ gây gián đoạn nguồn cung dầu.
“Câu chuyện lạm phát còn chưa được kiểm soát đặt ra mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu. Những phát biểu của ông Powell chẳng khác gì xát muối vào vết thương”, nhà kinh tế Tim Snyder của công ty Matador Economics nhận định với hãng tin CNBC.
Tuy nhiên, trong một báo cáo hàng tháng công bố ngày thứ Ba, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) duy trì dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2024 sẽ tương đối mạnh và nền kinh tế toàn cầu năm nay có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn dự báo. Theo báo cáo này, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và tăng 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025.
Lực lượng cứu hoả Canada đang cố gắng dập lửa một đám cháy rừng ở British Columbia và hai đám cháy dừng khác ở Alberta, gần khu vực trung tâm của ngành khai thác dầu cát nước này. Với công suất sản lượng 3,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, Canada là một nàh cung cấp quan trọng loại dầu thô nặng.
Về tình hình Trung Đông, căng thẳng tiếp diễn khi xe tăng Israel tiến sâu hơn và thành phố Rafah ở miền Nam dải Gaza. “Sự bấp bênh về Rafah đang khiến thị trường dầu cảm thấy bất an về nguồn cung dầu”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures phát biểu.