Chứng khoán Mỹ tụt điểm sau báo cáo việc làm, giá dầu giảm mạnh, bitcoin vượt 70.000 USD
Bản báo cáo được chờ đợi đã đưa ra những tín hiệu xung đột về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (8/3), khép lại một tuần giao dịch đầy biến động, do nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu Nvidia và đối mặt với những tín hiệu xung đột từ bản báo cáo việc làm. Giá dầu thô cũng giảm mạnh và kết thúc một tuần đi xuống, trong khi giá bitcoin duy trì xu hướng tăng và lập kỷ lục mới trên mức 70.000 USD.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,65%, còn 5.123,69 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,16%, còn 16.085,11 điểm. Cả hai thước đo này đều có thời điểm thiết lập mức kỷ lục nội phiên mới trước khi chốt phiên trong sắc đỏ. Chỉ số Dow Jones giảm 68,66 điểm, tương đương giảm 0,18%, còn 38.722,69 điểm.
Sau một tuần trồi sụt mạnh, 3 chỉ số đều chốt tuần với kết quả là giảm điểm. S&P 500 giảm 0,26% tuần này, trong khi Dow Jones và Nasdaq giảm tương ứng 0,93% và 1,17%. Đây là tuần giảm điểm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 10/2023.
Cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên thị trường trong phiên này là Nvidia, khi giới đầu tư tiến hành hiện thực hoá lợi nhuận đối với cổ phiếu hãng chip khổng lồ sau đợt tăng mạnh gần đây. Nvidia - tâm điểm của cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) ở Phố Wall - đóng cửa với mức giảm hơn 5%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 5.
Dù vậy, cổ phiếu Nvidia vẫn tăng hơn 6% trong tuần này - nối dài xu hướng tăng ấn tượng đã đưa giá trị vốn hoá thị trường của công ty này tăng thêm 1 nghìn tỷ USD chỉ từ đầu năm đến nay.
“Phiên giảm này không có nghĩa là tiềm năng tăng giá của Nvidia trong dài hạn đã hết. Chẳng qua là cổ phiếu này đã tăng quá nhanh. Nhà đầu tư đã ở trong tình trạng mua quá nhiều và giờ là lúc để họ chốt lời”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC về phiên giảm này của Nvidia.
Dù Nvidia kéo tụt nhóm công nghệ, cổ phiếu Apple đã giúp hạn chế bớt mức giảm của nhóm này nhờ mức tăng 1%. Với phiên tăng ngày thứ Sáu, Apple chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp trước đó, chuỗi phiên giảm dài nhất của cổ phiếu blue-chip này kể từ đầu năm 2022. Cả tuần này, Apple giảm gần 5%, trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần trong số 30 thành viê của Dow Jones.
Nhà đầu tư còn dành nhiều thời gian trong phiên này để nghiền ngẫm về báo cáo việc làm tổng thể tháng 2 đến từ Bộ Lao động Mỹ. Bản báo cáo được chờ đợi đã đưa ra những tín hiệu xung đột về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Dữ liệu từ báo cáo trên cho thấy số lượng việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 2 vừa qua lớn hơn so với dự báo, đạt 275.000 công việc mới so với con số dự báo 198.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Số liệu này là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế có thể vẫn đang tăng trưởng nóng.
Nhưng mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp lại bất ngờ tăng nhẹ lên mức 3,9% - do có nhiều người tham gia tìm kiếm việc làm hơn - và tiền lương tăng trưởng yếu hơn so với dự báo. Đây được xem là những dấu hiệu rằng lạm phát đã giảm đủ để thuyết phục Fed sớm bắt đầu hạ lãi suất. Ngoài ra, mức tăng trưởng việc làm của tháng 1 cũng được điều chỉnh giảm so với công bố lần đầu.
“Nhìn chung, mọi người có thể nhận được bất kỳ thông điệp nào mà họ muốn nhận được từ bản báo cáo việc làm ngày hôm nay. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng dữ liệu vẫn nghiêng về tích cực và sẽ mang lại cho Fed đủ sự tự tin rằng một đợt điều chỉnh nhẹ lãi suất là phù hợp”, giám đốc đầu tư George Mateyo của ngân hàng tư nhân Key Private Bank nhận định với CNBC.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,92 USD/thùng, tương đương giảm 1,17%, còn 78,01 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,88 USD/thùng, tương đương giảm 1,06%, còn 82,08 USD/thùng.
Dầu giảm giá tuần này do mối lo về sự ảm đạm của nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc và dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng thị trường dầu đủ cung. Cả tuần, giá dầu Brent giảm gần 1,8% và giá dầu WTI giảm gần 2,5%.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường hàng hoá cơ bản S&P Global Commodity Insights cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm khoảng 5,7%, còn 10,8 triệu thùng/ngày trong 2 tháng đầu năm nay, so với mức 11,44 triệu thùng/ngày vào tháng 12.
“Sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc tiếp tục gây thất vọng. Rất khó để giá dầu duy trì ở vùng hiện tại và tăng cao hơn. Giá dầu WTI sẽ khó trở lại mức hơn 80 USD/thùng”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital nhận định với CNBC.
Tuần này, một quan chức cấp cao của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói với hãng tin Reuters rằng thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ có nguồn cung đầy đủ trong năm nay.
Trong hai buổi điều trần về chính sách tiền tệ trước Quốc hội Mỹ trong tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu rằng Fed có thể giảm lãi suất trong năm nay. Lãi suất giảm là một nhân tố hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ dầu, nhưng mặt khác Fed chỉ cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu suy yếu - một điều không có lợi cho giá dầu, ông Kilduff nhấn mạnh. Ông cho rằng đây là một nguyên nhân khiến giá dầu giằng co mạnh trong tuần.
Trên thị trường tiền ảo, giá bitcoin đêm qua theo giờ Việt Nam có lúc vượt mốc 70.000 USD/oz lần đầu tiên trong lịch sử. Kỷ lục này được thiết lập sau khi bitcoin vào đầu tuần này vượt mốc 69.000 USD, phá vỡ đỉnh cao cũ gần 69.000 USD thiết lập hồi cuối năm 2021.
Lúc gần 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá bitcoin đứng ở mức hơ 68.400 USD, tăng 2% so với cách đó 24 tiếng và tăng hơn 9% trong 1 tuần trở lại đây. Vốn hoá của tiền ảo này cùng thời điểm đạt hơn 1,34 nghìn tỷ USD, trong tổng vốn hoá 2,59 nghìn tỷ USD của thị trường tiền ảo toàn cầu - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.
Theo giới phân tích, xung lực tăng của bitcoin đang mạnh do tiếp tục được hỗ trợ bởi sự hưng phấn của giới đầu tư về các quỹ ETF bitcoin giao sau ở Mỹ và sự kiện halving (phân đôi) sắp diễn ra vào tháng 4.