Chứng khoán Mỹ tụt điểm theo cổ phiếu Nvidia, giá dầu tăng bền
Gần đây hơn, những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế Mỹ làm gia tăng lạc quan rằng sắp đến lúc Fed có thể cắt giảm lãi suất...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (20/6) do cổ phiếu Nvidia đảo chiều, dù chỉ số S&P 500 có thời điểm trong phiên vượt mốc 5.500 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Giá dầu thô tiếp tục đi lên sau khi dữ liệu mới nhất về thị trường lao động củng cố tia hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,25%, còn 5.473,17 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số tăng 0,34%, đạt kỷ lục nội phiên mới.
Chỉ số Nasdaq trượt 0,79%, chốt ở mức 17.721,59 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 299,9 điểm, tương đương tăng 0,77%, đạt 39.134,76 điểm, nhờ một số cổ phiếu blue-chip đi lên.
“Thị trường đang ở trong một giai đoạn với khối lượng giao dịch thấp do yếu tố mùa vụ, và cũng không có những nhân tố chi phối mạnh diễn biến hàng ngày. Sẽ xuất hiện những dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng thời gian qua đã kéo dài quá mức. Nhưng dù sao, xung lực tăng vẫn tiếp diễn khó tin trong tuần này”, trưởng giao dịch Nathan Kotler của công ty GenTrust nhận định với hãng tin CNBC.
Sau khi lập kỷ lục nội phiên mới, cổ phiếu Nvidia quay đầu giảm và chốt phiên với mức giảm 3,5%. Hôm thứ Ba, hãng chip khổng lồ này soán ngôi công ty niêm yết có giá trị vốn hoá thị trường “khủng” nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. Năm nay, cổ phiếu Nvidia đã tăng hơn 160% trong bối cảnh cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục thúc đẩy xu hướng tăng của chứng khoán Mỹ, ngay cả khi tiêu dùng - trụ cột của nền kinh tế Mỹ - cho thấy những dấu hiệu chững lại.
Dù giảm trong phiên ngày thứ Năm, cả ba chỉ số đang tiến tới hoàn tất một tuần tăng điểm với những kỷ lục mới của S&P 500 và Nasdaq được ghi nhận. Hôm thứ Tư, chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Juneteenth.
Sự hưng phấn của nhà đầu tư về AI tiếp tục “giữ lửa” cho thị trường trong những tuần gần đây, ngay cả khi nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích ở Phố Wall bày tỏ mối lo về việc xu hướng tăng thiếu độ rộng, chủ yếu nằm ở cổ phiếu công nghệ. Họ cho rằng sự tập trung quá mức này có thể dẫn tới một cú “gãy trụ” ở bất kỳ thời điểm nào.
Gần đây hơn, những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế Mỹ làm gia tăng lạc quan rằng sắp đến lúc Fed có thể cắt giảm lãi suất. Hy vọng phập phồng về giảm lãi suất giúp thị trường duy trì xu hướng tăng.
Ngày thứ Năm, báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường việc làm tiếp tục có dấu hiệu yếu đi. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 15/6 giảm 5.000 người so với tuần trước đó, còn 238.000 người - nhiều hơn so với số 235.000 người mà giới chuyên gia dự báo.
Trong tuần trước đó, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ tăng nhiều gấp khoảng 3 lần so với số giảm trong tuần vừa rồi, lên mức cao nhất trong 10 tháng. Tính bình quân của 4 tuần gần nhất, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở mức là 232.750 người mỗi tuần, tăng 5.500 người so với kỳ trước đó và là mức cao nhất kể từ giữa tháng 9 năm ngoái.
Ngoài ra, các số liệu thống kê khác trong ngày thứ Năm cho thấy số nhà mới khởi công ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 4 năm và chỉ số ngành sản xuất của bang California cũng thấp hơn so với dự báo.
Tất cả những dữ liệu này củng cố khả năng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và giảm lãi suất 1-2 đợt trong năm nay.
“Các chỉ số kinh tế của quý 2 đều cho thấy một quý giảm tốc nữa của các hoạt động trong nền kinh tế Mỹ. Hoạt động kinh tế và thị trường lao động suy yếu đang làm dấy lên kỳ vọng rằng Fed có thể giảm lãi suất sau vài tháng nữa. Đợt giảm đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 9, và sau đó có thể có thêm một đợt giảm nữa vào tháng 12”, nhà kinh tế trưởng Bill Adams của công ty Comerica nhận định.
Triển vọng giảm lãi suất hỗ trợ giá dầu phiên này, với giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,64 USD/thùng, tương đương tăng 0,75%, chốt ở mức 85,71 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,6 USD/thùng, tương đương tăng 0,74%, chốt ở 82,17 USD/thùng.
Giá dầu còn tăng do báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô thương mại của nước này giảm 2,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/6, còn 457,1 triệu thùng, nhiều hơn so với mức giảm 2,2 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên trong mùa hè, các nhà máy lọc dầu tăng công suất, rủi ro thời tiết, và việc OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng đồng nghĩa “thị trường dầu sẽ thắt chặt và lượng dầu tồn trữ sẽ giảm trong những tháng tới” - một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase dự báo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng từ mùa thu trở đi, áp lực giảm đối với giá dầu sẽ tăng lên do nhu cầu dầu yếu đi và OPEC+ bắt đầu nâng sản lượng trở lại.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga. Nhóm này dự kiến từ tháng 10 năm nay sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình cắt giảm sản lượng tự nguyên 2,2 triệu thùng/ngày, đến hết tháng 9/2025 sẽ kết thúc hoàn toàn chương trình này.