Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng bùng nổ trong phiên đầu tiên của tháng 10
“Đây là một phiên tăng xả. Tôi không nghĩ một phiên tăng như thế này đã thay đổi câu chuyện”...
Thị trường chứng khoán Mỹ “xanh rực” trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (3/10) như một sự giải toả sau những phiên giảm sâu liên tiếp trong tháng 9. Giá dầu thô cũng nhảy gần 4% vì khả năng OPEC+ sẽ mạnh tay cắt giảm sản lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng khoảng 765 điểm, tương đương tăng gần 2,7%, chốt ở mức 29.490,89 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ hôm 24/6.
Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 2,6%, chốt ở 29.490,89 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất từ hôm 27/7.
Chỉ số Nasdaq tăng xấp xỉ 2,3%, đạt 10.815,43 điểm.
Nhà đầu tư cảm thấy được giải toả khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm về ngưỡng 3,65%, từ mức hơn 4% - cao nhất 14 năm - thiết lập vào tuần trước.
“Đây là một phiên tăng xả. Tôi không nghĩ một phiên tăng như thế này đã thay đổi câu chuyện”, Giám đốc đầu tư John Maier của Global X ETFs nhận định.
Theo ông Maier, phiên hồi phục này có thể bắt nguồn từ sự lạc quan của nhà đầu tư ở Mỹ về tình trạng của các thị trường trên toàn cầu, trong bối cảnh đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh. Riêng ở Mỹ, ông cho rằng các xu hướng lớn của giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tuỳ thuộc vào các quyết định trong tương lai của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc chiến chống lạm phát.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,72 USD/thùng, tương đương tăng 4,4%, chốt ở 88,86 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 4,14 USD/thùng, tương đương tăng 5,2%, chốt ở 83,63 USD/thùng.
Dầu thô tăng giá sau khi có tin OPEC+ đang cân nhắc cắt giảm sản lượng khai thác dầu hơn 1 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. Đây sẽ là đợt giảm sản lượng lớn nhất của OPEC+ kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Giá dầu thô đã giảm liên tiếp 4 tháng từ tháng 6 đến tháng 9, khi phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và lãi suất tăng cùng sự tăng giá chóng mặt của đồng USD đặt nền kinh tế toàn cầu trước nguy cơ suy thoái.
OPEC+ sẽ có cuộc họp sản lượng ở Vienna, Áo vào ngày thứ Tư tuần này. Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng khối có thể giảm sản lượng nhiều hơn 1 triệu thùng/ngày. Con số này thậm chí chưa bao gồm sự cắt giảm sản lượng tự nguyện của các thành viên OPEC+.
“Sau một năm để cho giá dầu tăng lên rất cao, sản lượng OPEC+ không đạt hạn ngạch đề ra, và nguồn cung thị trường dầu toàn cầu thắt chặt nghiêm trọng, liên minh OPEC+ có vẻ như không còn ngần ngại trong việc hành động nhanh chóng để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi”, nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nhận định.
Đề ra mục tiêu sản lượng là một chuyện, thực tế gần đây OPEC+ thường xuyên không khai thác đủ mức sản lượng đề ra. Hai nguồn tin từ OPEC+ nói rằng trong tháng 7, sản lượng thực tế của khối hụt gần 3 triệu thùng/ngày so với mục tiêu. Nguyên nhân là do một số thành viên của khối đang chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế, cộng thêm mức đầu tư thấp của một số thành viên khác gây trở ngại cho khả năng tăng sản lượng.
Công ty tư vấn FGE nói rằng giá dầu có thể tăng trong ngắn hạn, nhưng mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ hạn chế mức tăng của giá dầu.
“Nếu OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng trong ngắn hạn, kết quả sẽ là công suất khai thác dự trữ của OPEC+ sẽ tăng lên, và điều này có thể đặt thêm áp lực giảm giá lên giá dầu trong tương lai”, một báo cáo của FGE nhận định.
Phiên đầu tuần và đầu tháng, giá dầu còn được hỗ trợ bởi ngày giảm thứ tư liên tiếp của tỷ giá đồng USD, sau khi chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất mới của 2 thập kỷ vào tuần trước.