Chuyển cơ quan điều tra đối với công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai để đất rừng bị xâm chiếm

Mộc Minh
Chia sẻ

Trong quá trình tiếp nhận và quản lý đất rừng, công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, đã để xảy ra loạt vi phạm khi đất rừng bị xâm chiếm, đấu giá sai quy định…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tổng diện tích rừng hiện nay do công ty Lâm nghiệp Ia H'Drai đang quản lý, sử dụng biến động giảm 576,81ha, so với các quyết định của UBND tỉnh Kon Tum trước đây.

HÀNG TRĂM HA ĐẤT RỪNG BỊ XÂM CHIẾM

Mới đây, Thanh tra tỉnh Kon Tum đã ra Thông báo số 28 Kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng đất rừng và đất khác; quản lý sử dụng tài chính tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ia H’Drai (Lâm nghiệp Ia H’Drai).

Trước đó, ngày 28/12/2015, UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định 1345 về việc bàn giao 30.353,34ha diện tích đất rừng (trong đó: đất có rừng tự nhiên là rừng sản xuất: 28.824,35ha; đất rừng trồng sản xuất chưa thành rừng: 05ha; đất chưa có rừng: 1.523,99ha) từ công ty Lâm nghiệp Sa Thầy cho công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai tiếp quản.

Diện tích đất rừng thuộc lâm phần do công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai quản lý nằm trên địa bàn 02 xã: Ia Dom và Ia Tơi thuộc huyện Ia H’Drai, tỉnh kon Tum và giáp ranh với tỉnh Gia Lai.

Đến ngày 15/11/2017, UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định số 1221 về việc công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai phải bàn giao diện tích 3.247,06ha đất cho xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai quản lý, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao. Theo đó, việc chỉnh lý hồ sơ địa chính đất đai sau khi có biến động về diện tích cũng chưa thực hiện.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum, việc bàn giao đất ngoài thực địa cho xã Ia Tơi đã được cơ quan này đã ủy quyền cho Chi cục Quản lý đất đai tổ chức thực hiện. Ngày 14/02/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cũng có Công văn số 216 về việc triển khai tiếp nhận bàn giao đất thực địa và xây dựng phương án sử dụng đất đối với quỹ đất thu hồi của các công ty lâm nghiệp (trong đó có công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai) giao địa phương quản lý.

Tuy nhiên, đến nay xã Ia Tơi không tiếp nhận. Do xã tiến hành rà soát thì thấy diện tích đất rừng là rừng tự nhiên sản xuất giảm hơn nhiều so với diện tích được nhận bàn giao là 3.247ha, theo Quyết định 1221 (năm 2017) của UBND tỉnh Kon Tum.

Mặt khác, hầu hết đất trống và đất chồng lấn được giao đều do người dân cư trú tại  các xã giáp ranh của huyện Chư Păh và huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sang xâm canh, làm nương rẫy, và công ty Lâm Nghiệp Ia H’Drai không xử lý được.

Trong đó, 639,96ha đất nông nghiệp đã cấp quyền sử dụng đất cho công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai bị người dân 02 tỉnh Kon Tum và Gia Lai trồng cây ngắn ngày và dài ngày.

Diện tích 106,61ha đất rừng của công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai cũng đang bị 02 công ty cổ phần: Đầu tư và Phát triển Duy Tân (103,28ha) và Cao su Sa Thầy (3,33ha) trồng cây cao su.

Theo Thanh tra tỉnh Kon Tum, tổng diện tích rừng hiện nay công ty Lâm nghiệp Ia H'Drai đang quản lý, sử dụng biến động giảm 576,81ha, so với các quyết định của UBND tỉnh trước đây, đa phần là do lịch sử để lại từ trước những năm 2015.

CẤP ĐẤT CHỒNG LẤN, ĐẤU GIÁ TRÁI PHÉP

Trong quá trình quản lý đất rừng được giao, Công ty Lâm nghiệp Ia H'Drai đã để xảy ra tình trạng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lên nhau với diện tích 25,6ha giữa công ty Lâm nghiệp Ia H'Drai và công ty cổ phần Đầu tư phát triển Duy Tân và công ty cổ phần cao su Sa Thầy.

Đối với 30,2ha đất tại xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai đã tổ chức bán đấu giá tài sản gắn liền với đất và để cho cá nhân lấn chiếm trái phép là sai quy định.

Thanh tra tỉnh Kon Tum đã kiểm tra, xác minh hiện trạng vị trí và diện tích cây cao su, cây điều gắn liền với đất là 13,4ha vẫn còn, nhưng Công ty TNHH Vạn Lợi đã sang nhượng cho người khác. Diện tích đất trống còn lại 16,78ha, hiện nay đã bị một số cá nhân và người dân lấn chiếm trái phép trồng cây cao su và cây keo từ trước năm 2020 (hiện cây keo đã chặt hạ còn lại gốc trên diện tích hơn 2ha). Theo công ty Lâm nghiệp Ia H'Drai, công ty không ký hợp đồng cho thuê đất, không giao đất cho các tổ chức, cá nhân nào.

Ngoài ra, từ năm 2018 đến 2020, trên lâm phần của công ty Lâm nghiệp Ia H’Drai quản lý, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 34 vụ khai thác rừng, hủy hoại rừng, cất giữ lâm sản trái phép, với tổng số gỗ (cả gỗ tròn và gỗ xẻ) là 941,792m3.

CHUYỂN CƠ QUAN ĐIỀU TRA

Theo Thanh tra tỉnh Kon Tum, đối với tang vật vi phạm Luật lâm nghiệp tại lâm phần Công ty Lâm nghiệp Ia H'Drai từ năm 2018 - 2020 là: 835,58m3 gỗ (gỗ tròn và gỗ xẻ). Đề nghị UBND tỉnh Kon Tum giao cho giám đốc công an tỉnh chỉ đạo cho công an huyện Ia H'Drai tiến hành làm các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh xử lý diện tích đất người dân 02 tỉnh Gia Lai và Kon Tum lấn chiếm đất để trồng cây nông nghiệp trên lâm phần công ty Lâm nghiệp Ia H'Drai với diện tích 639,96ha.

Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tồn tại, khuyết điểm trong công tác tham mưu lập thủ tục về đất đai đã được nêu trong kết luận, cũng như trong công tác nghiệm thu diện tích được hưởng Dịch vụ Môi trường rừng và diện tích hỗ trợ rừng tự nhiên tạm ngừng khai thác của công ty giai đoạn 2018-2020.

Thanh tra tỉnh Kon Tum kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với việc công ty Lâm nghiệp Ia H'Drai tổ chức thực hiện bán đấu giá tài sản (cây cao su và cây điều gắn liền với đất không thu tiền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 2013) không đúng với phương án sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 905 (ngày 12/9/2017).

Vấn đề buông lỏng quản lý đã dẫn đến một số cá nhân và người dân lấn chiếm đất để trồng cây cao su và cây keo (hiện đã chặt hạ còn để lại gốc khoảng 2,2ha) trên diện tích công ty Lâm nghiệp Ia H'Drai đang quản lý nhưng không xác định được đối tượng lấn chiếm là 30,20ha tại xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà.

Thanh tra tỉnh Kon Tum cho rằng việc bán đấu giá tài sản gắn liền với đất và buông lỏng quản lý nói trên đã gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con