Chuyển đổi số là một khoản đầu tư có lời
Các doanh nghiệp cần lựa chọn chuyển đổi số những lĩnh vực có khả năng mang lại hiệu quả vượt trội, tạo ra giá trị mới
Tại Diễn đàn "Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 11/11/2020 tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho hay: khi thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp nên ưu tiên chuyển đổi trước những gì bắt buộc phải chuyển đổi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chuyển đổi những thứ gì không hối tiếc. Tiếp theo là các doanh nghiệp cần lựa chọn chuyển đổi số những lĩnh vực có khả năng mang lại hiệu quả vượt trội, tạo ra giá trị mới.
Nếu với các tư duy như thế, thì chuyển đổi số là một khoản đầu tư, mang lại nhiều doanh thu lợi ích hơn là một khoản chi phí.
Doanh nghiệp được ví như những huyết mạch của nền kinh tế số. Với quan sát và đánh giá của ông, các doanh nghiệp số Việt Nam hiện nay đã đáp ứng quá trình chuyển đổi số chưa?
Có thể phân làm hai nhóm: doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong thời gian qua đã khá tiên phong, chủ động. Bộ Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ các doanh nghiệp số này bằng cách định hướng. Bên cạnh đó hàng tuần, Bộ tổ chức Ngày thứ 6 Công nghệ, ra mắt các nền tảng công nghệ số Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Với những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, việc hỗ trợ thông qua các nền tảng số sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn, dễ hơn. Với nhóm doanh nghiệp này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng đề án hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Dự kiến đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2020.
Theo ông, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị như thế nao để chuyển đổi số thành công?
Chuyển đổi số là sự thay đổi từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Sự thay đổi này phụ thuộc vào lãnh đạo doanh nghiệp có dám chấp nhận cái mới không. Do đó, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất là nhận thức; tiếp đó là có các giải pháp đúng đắn. Chúng tôi coi việc sử dụng các nền tảng số là giải pháp để chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn.
Khảo sát gần đây cho thấy, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong chuyển đổi số là chi phí lớn. Theo ông, các doanh nghiệp sẽ phải làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Thực ra, khó khăn này đến từ nhận thức. Nếu chúng ta coi chuyển đổi số là một khoản chi phí thì đó là khó khăn. Khi thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp nên ưu tiên chuyển đổi trước những gì bắt buộc phải chuyển đổi. Nếu đã là bắt buộc thì không tính đến chi phí.
Bên cạnh đó, chúng ta nên chuyển đổi những thứ gì không hối tiếc, đó có thể là lĩnh vực đang khó khăn, thua lỗ nhất của doanh nghiệp. Tiếp theo là các doanh nghiệp cần lựa chọn chuyển đổi số những lĩnh vực có khả năng mang lại hiệu quả vượt trội, tạo ra giá trị mới.
Nếu với các tư duy như thế, thì chuyển đổi số là một khoản đầu tư, mang lại nhiều doanh thu lợi ích hơn là một khoản chi phí.
Theo ông, trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần phải làm gì để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chương trinh chuyển đổi số quốc gia?
Nhìn từ góc độ lộ trình phát triển, chúng ta có 2 việc cần phải làm hiện nay. Thứ nhất là tạo ra nhiều các nền tảng số hơn nữa để phục vụ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, để việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số thành một loại hình dịch vụ. Cùng với đó là tiến hành phổ cập kỹ năng số cho người dân.
Người dân có kỹ năng số, có sử dụng các dịch vụ số thì mới tạo thị trường cho các doanh nghiệp.
Thời gian qua, Bộ đã hỗ trợ các doanh nghiệp ra mắt các nền tảng số của Việt Nam "make in Vietnam" phục vụ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt. Việc ứng dụng các nền tảng Việt này có lợi thế gì so với các giải pháp khác, thưa ông?
Lợi thế của các nền tảng Việt Nam đó là khả năng đáp ứng nhanh, có thể tính bằng giờ. Cùng với đó, dữ liệu được lưu trữ tại Việt Nam. Ngoài ra, có những bài toán đặc thù của Việt Nam mà chỉ doanh nghiệp Việt Nam mới giới quyết còn doanh nghiệp nước ngoài không quan tâm. Đó là thị trường ngách.
Ví dụ như: bài toán tạo ra nội dung cho trẻ em học ỏ các cấp… thì chắc chắn chỉ có các doanh nghiệp Việt mới có thể làm được tốt. Hay như với dịch vụ ứng cứu sự cố an toàn an ninh mạng thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam có thể phản ứng được ngay, có thể cử nhân sự đến xử lý cho khách hàng ngay.
Khi doanh nghiệp thấu hiểu văn hóa của người Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ cung cấp được dịch vụ, giải quyết được vấn đề tốt hơn với chi phí rẻ hơn.
Hiện nay, có vẻ như những doanh nghiệp tư nhân đang năng động hơn trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhà nước có vẻ như việc chuyển đổi số găp khó khăn hơn. Theo ông, các doanh nghiệp nhà nước cần phải làm gì và cần hỗ trợ gì để triển khai chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn?
Chuyển đổi số là một quá trình chuyển đổi. Do đó, các tố chức doanh nghiệp lớn thường có quán tính lớn hơn các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam cũng đang hoạt động vào cuộc rất tích cực thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành.
Ngoài các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như: Viettel, VNPT thì các doanh nghiệp khác ngoài lĩnh vực công nghệ như EVN cũng đã đặt ra các mục tiêu, lộ trình cụ thể để cho việc chuyển đổi số trong giai đoạn 2020- 2021 .
Có thể thấy, công cuộc chuyển đổi số hiện nay đã và đang thu hút được sự tham gia rộng rãi của tất cả các cơ quan tổ chức liên quan không phân biệt khối công hay khối tư.
Có ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn chậm chạp. Ông có đồng ý với nhận xét này không?
Theo tôi, ở thời điểm này mà nói chậm hay nhanh chỉ là cách nói cảm tính vì chúng ta chưa có thước đo.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành "thước đo" thông qua bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cho các Cơ quan tổ chức nhà nước. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng bộ chỉ số này cho khối các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi chúng ta có bộ chỉ số và hàng năm đánh giá thì mới có thể biết được vấn đề này diễn ra nhanh hay chậm.
Hơn nữa, Đề án Chương trình chuyển đổi số cũng vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020. Nên cần có thêm thơi gian để đánh giá đầy đủ và chính xác.