Chuyên gia khuyên không nên “mừng vội” vì thị trường tăng điểm sau khi Fed nâng lãi suất
Một chiến lược gia cho rằng tâm trạng phấn khởi của Phố Wall sau khi Fed tăng lãi suất tuần này là thiếu chín chắn và có vấn đề...
Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng nhà đầu tư không nên vội rót tiền vào cổ phiếu, cho dù thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm liên tục sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Mỹ của Morgan Stanley, ông Mike Wilson, nói ông nhận thấy tâm trạng phấn khởi của Phố Wall - kết quả của ý tưởng cho rằng Fed sẽ sớm giãn tiến độ tăng lãi suất – là thiếu chín chắn và có vấn đề.
“Thị trường luôn tăng điểm từ lúc Fed dừng tăng lãi suất cho tới khi suy thoái kinh tế bắt đầu… Nhưng lần này, có vẻ như sẽ không có nhiều thời gian giữa lúc Fed dừng tăng lãi suất với khi suy thoái xảy ra. Thực chất, đây sẽ là một cái bẫy”, ông Wilson phát biểu.
Theo ông Wilson, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ảnh hưởng của sự giảm tốc kinh tế đối với lợi nhuận doanh nghiệp và nguy cơ từ việc Fed thắt chặt quá mức.
“Thị trường chứng khoán đang mạnh hơnmột chút so với nhận định của nhiều người, xét tới những tín hiệu tăng trưởng bất lợi gần đây. Ngay cả thị trường trái phiếu cũng đang bắt đầu tin rằng Fed có thể đang đi quá xa và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái”, vị chiến lược gia nói.
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày thứ Năm cho thấy GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 0,9% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 1,6% trong quý 1. Hai quý suy giảm liên tiếp đáp ứng định nghĩa kỹ thuật về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn chưa bị coi là suy thoái, bởi một cuộc suy thoái chính thức sẽ được công bố bởi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), trong khi cơ quan này còn dựa vào nhiều dữ liệu khác thay vì chỉ biến động GDP đơn thuần.
Ông Wilson dự báo đến cuối năm nay, chỉ số S&P 500 giảm về mức 3.900 điểm, từ mức hơn 4.072 điểm chốt phiên giao dịch ngày 28/7, tương đương mức giảm hơn 4,4%. Đây là một trong những mức dự báo thấp nhất ở Phố Wall về mức điểm của S&P 500 vào cuối năm.
Nếu so với mức đóng cửa cao kỷ lục thiết lập vào tháng 1 năm nay, S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - hiện đã giảm hơn 18%.
Dự báo của ông Wilson cũng cho rằng thị trường có thêm trước khi đạt tới mức điểm nói trên vào cuối năm. Ông dự báo S&P 500 giảm dưới 3.636 điểm, mức thấp của 52 tuần thiết lập hồi tháng trước.
“Chúng ta gần đi đến đoạn cuối. Ý tôi là thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) này đã kéo dài một thời gian rồi”, ông Wilson nói. “Nhưng vấn đề sẽ không kết thúc, và chúng ta cần phải có một bước đi cuối, và tôi không cho rằng mức đáy tháng 6 là bước đi cuối cùng”.
Ông Wilson tin rằng S&P 500 có thể giảm còn 3.000 điểm nếu suy thoái kinh tế xảy ra trong năm 2022.
“Điều thực sự quan trọng trong mỗi quyết định đầu tư là xác định lợi thế và điểm bất lợi của bạn. Nếu bạn chấp nhận nhiều rủi ro để nhận lấy những gì còn sót lại trên bàn, đối với tôi, đó không phải là đầu tư”, ông nói.
Ông Wilson tự nhận mình có vị thế đầu tư bảo thủ ở thời điểm này, cho biết ông phân bổ vốn có tỷ trọng thấp hơn vào cổ phiếu và tập trung vào những nhóm phòng thủ như y tế, tiêu dùng thiết yếu và điện nước. Ông cũng đề cao việc tăng nắm giữ tiền mặt và trái phiếu vào thời điểm này.
Ngoài ra, ông cho biết sẽ không vội đưa tiền vào đầu tư và sẽ chờ cho tới khi có những dấu hiệu cổ phiếu đã chạm đáy.