Chuyên gia, nhà quản lý nêu dự cảm về kinh tế Việt Nam năm 2024
Chuyên gia nhận định, để thúc đẩy kinh tế Việt Nam năm 2024 cần tăng cường khả năng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác, phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới…
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 được các chuyên gia đánh giá tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế quốc tế đang có nhiều biến số bất định và khó lường, nhưng bối cảnh này cũng tạo ra nhiều cơ hội và thách thức phát triển cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên (VESF) lần thứ 16, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đưa ra những dự cảm cho năm 2024.
Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Quỹ đầu tư Dragon Capital, đánh giá trên toàn thế giới đã trải qua chu kỳ giảm hàng tồn kho. Theo dõi của Dragon Capital cho thấy, chỉ số hàng tồn kho nhà sản xuất châu Âu và châu Mỹ; chỉ số hàng tồn kho nhà bán lẻ trên toàn cầu đã trở về mức bền vững. Từ đó có thể kỳ vọng đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế.
Bà Nguyệt kỳ vọng, Chính phủ sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp để kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu lớn hơn trong năm 2024.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cơ quan đại diện cộng đồng DN nhìn nhận, nếu cứ nói tháo gỡ khó khăn là sẽ cứ chạy theo những khó khăn và vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều. “Chúng ta hãy thay cụm từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi”. Đây là cách tiếp cận tốt hơn. Vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp", ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương lưu ý, năm 2023 kinh tế số, chuyển đối số đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, quốc tế đánh giá tốc độ tăng của Việt Nam đạt 19% - cao nhất khu vực. Đóng góp của kinh tế số vào GDP cũng tăng, 16,5%.
“Cần xem xét việc thúc đẩy, dịch chuyển chuyển đổi số, sản xuất thông minh trong lĩnh vực công nghiệp. Điều này rất quan trọng, vì tăng trưởng của kinh tế số vẫn dựa chính và chủ yếu từ đóng góp giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử, nhưng mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam không nhiều, vẫn là gia công", ông Hiển cho biết.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, khôi phục động lực tăng trưởng cũ gắn chặt với thúc đẩy động lực mới, cũng là một giải pháp cần chú trọng trong thời gian tới. GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội phân tích, không thể bỏ qua các động lực tăng trưởng bấy lâu nay, đó là đầu tư công. “Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là không nên chỉ dừng lại ở đầu tư cốt lõi về hạ tầng giao thông, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang các lĩnh vực về hạ tầng khác, khoa học công nghệ, chuyển đổi số…