Chuyên gia tội phạm “bày cách” phòng tránh cuộc gọi nặc danh
Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ người lạ, cuộc gọi không rõ danh tính, số điện thoại hiển thị trên màn hình hoặc các cuộc gọi có đầu số +375, +371, +563, +381, +255…
Ngày 11/11, Công an quận Long Biên, thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là gần 6 tỷ đồng.
Theo đó, vào ngày 7/11/2022, Công an phường Ngọc Thuỵ tiếp nhận đơn trình báo của bà D. (SN 1953, ở quận Long Biên, Hà Nội) về việc bà D. có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là Đại tá Công an. Đối tượng nói bà D. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu bà D. phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau đó, bà D. phát hiện tài khoản bị mất gần 6 tỷ đồng nên mới đến cơ quan Công an trình báo.
Trước đó, ngày 1/11/2022, Công an phường Sài Đồng tiếp nhận đơn trình báo của bà H. (SN 1958, ở quận Long Biên, Hà Nội) về việc bà H. có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là nhân viên của Sở Điện lực Hà Nội thông báo Căn cước công dân của bà H. đang có người mạo danh sử dụng để lắp đồng hồ điện công nghiệp khu vực TP HCM. Đối tượng thông báo số tiền đang nợ của Sở Điện lực là 38 triệu đồng.
Bà H. có trả lời là không liên quan gì đến việc này và sẽ ra công an phường để trình báo thì các đối tượng bảo bà H. không phải đi đâu rồi kết nối máy gặp cán bộ Công an TP HCM. Sau đó, bà H. nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng ở Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP HCM nói sẽ giúp bà giải quyết vấn đề này.
Đối tượng nói bà H. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và rửa tiền nên muốn phối hợp thì bà H. phải kê khai toàn bộ số tài sản trong gia đình. Do lo sợ nên bà H. đã cung cấp cho các đối tượng thông tin sổ tiết kiệm tại ngân hàng với số tiền 1,35 tỷ đồng.
Các đối tượng yêu cầu bà H. phải giữ bí mật và ra ngân hàng chuyển tiền từ sổ tiết kiệm vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi chuyển tiền, bà H. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, hiện nay nổi lên một số thủ đoạn lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như giả danh nhà mạng, cán bộ ngân hàng.
Đặc biệt, các đối tượng giả danh công an, tòa án, viện kiểm sát, bưu điện có thủ đoạn là yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Người dân do lo sợ và chuyển tiền vào các tài khoản này thì đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt.
Hoặc các đối tượng yêu cầu bị hại sử dụng điện thoại hệ điều hành Android, IOS để tải và cài đặt ứng dụng có tên “Bộ Công an” do các đối tượng cung cấp. Sau khi cài đặt, giao diện ứng dụng có hình ảnh “Công an hiệu” kem chữ “BỘ CÔNG AN”, có các trường để điền thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản Ngân hàng, số CMND/CCCD... Sau khi cài đặt ứng dụng, thông tin thiết bị đều bị đối tượng kiểm soát, đặc biệt, các tin nhắn, cuộc gọi đến máy bị hại đều được ngâm chuyển thông tin về máy chủ của đối tượng. Để chiếm đoạt tài sản, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng một số cách thức như sau:
1) Yêu cầu bị hại tự nhập thông tin tài khoản, mật khẩu vào các trường thông tin trên ứng dụng, toàn bộ dữ liệu này lập tức được chuyển về mấy chủ do đối tượng quản lý, sau đó các đối tượng truy cập tài khoản, chuyển tiền đi để chiếm đoạt;
2) Yêu cầu bị hại tự đăng ký các tài khoản ngân hàng mới do bị hại tự đứng tên, rút tiền từ các tài khoản khác để nộp vào tài khoản mới, hoặc yêu cầu bị hại tất toán các sổ tiết kiệm, các khoản đầu tư..., chuyển vào tài khoản mới lập. Khi đó, các đối tượng âm thầm theo dõi nội dung tin nhắn, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập tài khoản, chuyển đi để chiếm đoạt. Đã xảy ra nhiều vụ với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này, trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ người lạ, cuộc gọi không rõ danh tính, số điện thoại hiển thị trên màn hình hoặc các cuộc gọi có đầu số +375, +371, +563, +381, +255…
Nếu có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, bưu điện… gọi đến thông báo yêu cầu cần điều tra thấy nghi ngờ thì đề nghị họ cho biết tên, địa chỉ nơi làm việc để đến trực tiếp trao đổi, ghi nhận lại nội dung và báo ngay cho cơ quan công an.
Không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng cho người khác qua điện thoại, mạng xã hội, đặc biệt là mã OTP cho bất kỳ ai. Thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, nhất là lừa đảo qua mạng. Cài đặt chế độ xác thực 2 bước qua số điện thoại đối với tài khoả
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng. Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí.
Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.