CIC sẽ chấm điểm tín dụng thể nhân theo định kỳ hàng tháng
Với việc CIC chấm điểm tín dụng thể nhân định kỳ hàng tháng, tính chính xác và độ ổn định của mô hình được đảm bảo, cải thiện hơn so với mô hình cũ
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) vừa tổ chức Hội nghị công bố mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân mới.
Từ năm 2015 CIC đã xây dựng thành công mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân đầu tiên (1.0) theo chuẩn quốc tế. Việc xây dựng, phát triển mô hình chấm điểm tín dụng của CIC trước hết là nhằm mục tiêu hỗ trợ các tổ chức tín dụng từng bước chuyển đổi từ hình thức cho vay có đảm bảo bằng tài sản sang hình thức cho vay tín chấp dựa trên dự báo mức độ rủi ro của khách hàng.
Đồng thời mô hình chấm điểm thể nhân cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ trực tiếp cho khách hàng vay, cho phép khách hàng vay biết được mức độ tín nhiệm của mình, qua đó tư vấn hỗ trợ khách hàng vay hoàn thiện điểm tín dụng cũng như nâng cao văn hóa tín dụng trong quan hệ ngân hàng.
Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm định định kỳ, cho thấy độ ổn định, chính xác của mô hình cũ không còn đảm bảo do sự phát triển, mở rộng cơ sở dữ liệu của CIC liên tục trong những năm gần đây.
Vì vậy, năm 2020 CIC đã triển khai xây dựng mô hình mới (2.0) với sự hỗ trợ của Tập đoàn NICE – Hàn Quốc. Mô hình chấm điểm thể nhân mới đã có các bước cải tiến nổi bật cả về phương pháp xây dựng, nguồn dữ liệu và phương thức vận hành.
Điểm nổi bật nhất, thông qua mô hình, toàn bộ khách hàng vay thể nhân sẽ được chấm điểm với tần suất định kỳ hàng tháng nhờ nền tảng công nghệ và thuật toán mới (học máy – machine learning).
Do đó, tính chính xác và độ ổn định của mô hình được đảm bảo, cải thiện hơn so với mô hình cũ; chất lượng sản phẩm dịch vụ liên quan được nâng cao, tiến tới đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, để mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân mới 2.0 sớm phát huy được hiệu quả, CIC cần thường xuyên giám sát chặt chẽ quá trình vận hành mô hình chấm điểm tín dụng, định kỳ thực hiện hoạt động kiểm định, đánh giá tính ổn định, chính xác của mô hình.
Cùng với đó, CIC phải tiếp tục phát triển, mở rộng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia; tìm kiếm và kết nối với các nguồn thông tin mới ngoài ngành (như các Bộ, ngành, các tổ chức tự nguyện, các doanh nghiệp tiện ích, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán lẻ…) để có thêm nguồn thông tin phục vụ đánh giá, chấm điểm tín dụng, đặc biệt là đối với nhóm khách hàng mới, chưa từng có lịch sử tín dụng tại các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng yêu cầu, thông qua kết quả chấm điểm tín dụng, CIC cần chủ động nghiên cứu và phát triển các báo cáo phân tích, đánh giá tổng hợp chung về hoạt động tín dụng bán lẻ, xu hướng và mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng theo các tiêu chí khác nhau như (địa lý, giới tính, độ tuổi…), hỗ trợ các đơn vị Ngân hàng Nhà nước trong công tác tham mưu chính sách tín dụng, phát triển tài chính toàn diện.