Có nên trừ điểm bằng lái người vi phạm giao thông?

Lê Vũ
Chia sẻ

Góp ý cho Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, một số Đại biểu Quốc hội đã đề xuất bổ sung quy định tính điểm trên mỗi giấy phép lái xe như một chế tài áp dụng bổ sung nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, để áp dụng quy định này trên thực tiễn không phải chuyện dễ.

Những lần “hiến kế” bổ sung quy định xử phạt vi phạm giao thông

Chế tài xử phạt hành chính với một số lỗi vi phạm giao thông chưa đủ sức răn đe. Ảnh minh họa: Internet
Chế tài xử phạt hành chính với một số lỗi vi phạm giao thông chưa đủ sức răn đe. Ảnh minh họa: Internet.

Trên thực tế, hiện nay, không ít người liên tục phạm lỗi khi tham gia giao thông chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, do mức xử phạt đối với một số lỗi chưa đủ sức răn đe nên tài xế chưa có ý thức đúng mực về hành vi vi phạm của mình, lâu dần dẫn đến tâm lý “nhờn” luật. Do đó, một số Đại biểu Quốc hội đề nghị, bên cạnh chế tài xử phạt hành chính, Bộ Công an cần xem xét bổ sung quy định tính điểm trên giấy phép lái xe của công dân. Theo đó, với một số lỗi vi phạm giao thông nhưng chưa đến mức bị tước quyền sử dụng GPLX, tài xế sẽ bị trừ một số điểm nhất định. Khi bị trừ hết điểm, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì GPLX sẽ bị thu hồi, tài xế buộc phải học lại lý thuyết và thi sát hạch lái xe để được cấp GPLX lại từ đầu.

Trước đó, tháng 2/2003, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương thí điểm “bấm lỗ” đánh dấu trên giấy phép lái xe của những người vi phạm luật giao thông có mức xử phạt từ 200.000 đồng trở lên. GPLX có 3 lỗ bấm sẽ hết giá trị sử dụng và bị thu hồi một năm.

Đến năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 152/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, áp dụng trên toàn quốc. Trong đó, Khoản 1, Điều 6 Nghị định này nêu rõ: “Nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần vi phạm thì giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, người lái xe phải thi lại Luật Giao thông đường bộ và thực hành lái xe để được cấp giấy phép lái xe mới”.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ Công an cho rằng việc “bấm lỗ” trên GPLX không thể hiện thời điểm vi phạm, khiến GPLX “lem nhem”, thiếu thẩm mỹ. Đến năm 2007, Nghị định 146/2007/NĐ-CP đã chính thức bãi bỏ quy định “bấm lỗ” GPLX từng gây tranh cãi.

Năm 2017, Công an TP Hà Nội kiến nghị Bộ Công an chủ trì cấp và tích hợp điểm số trên giấy phép lái xe. Khi người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông, điểm trên giấy phép lái xe sẽ bị trừ theo lỗi vi phạm tương ứng.

Đến năm 2020, khi xây dựng Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (tiền thân của Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ), Bộ Công an cũng đã đưa quy định trừ điểm giấy phép lái xe với người vi phạm giao thông. Theo đó, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, tương ứng với 12 tháng. Mỗi lần vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm và dữ liệu được cập nhật trên hệ thống quản lý. Khi bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp giấy phép lái xe mới, phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe cũ hết hiệu lực. Tuy nhiên tại Dự thảo 4 Luật trật tự, an toàn giao thông ngày 31/8/2023, Ban soạn thảo đã lược bỏ quy định này.

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), quy định “bấm lỗ” hay tính điểm, trừ điểm trên GPLX về bản chất là giống nhau. Tuy nhiên, việc trừ điểm sẽ có nhiều ưu điểm, tính khả thi cao hơn.

“Nếu như chúng ta hoàn thành đồng bộ, lưu trữ thông tin, dữ liệu kết nối với một hệ thống quản lý GPLX, rồi trừ điểm tự động thì việc quản lý như vậy sẽ giúp cơ quan nhà nước thực hiện quản lý chặt chẽ, còn người lái xe buộc phải có ý thức tuân thủ pháp luật. Dưới góc độ mỹ quan thì có thể thấy việc trừ điểm sẽ văn minh hơn và hạn chế được tình trạng tiêu cực. Việc trừ điểm sẽ chi tiết, phân hóa được lỗi, mức độ xử lý, phù hợp với hành vi sai phạm. Điều này cũng phù hợp với xã hội ngày càng phát triển, việc ứng dụng khoa học, công nghệ 4.0 vào quản lý hành chính nhà nước là cần thiết”, Luật sư Hùng phân tích.

Tuy nhiên, nếu được áp dụng, quy định này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi dữ liệu GPLX đã được đồng bộ, tích hợp với ứng dụng định danh điện tử (VNeID); đồng thời các phương tiện đều đã được định danh biển số xe. Để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, nên ưu tiên áp dụng đối với các trường hợp phát hiện vi phạm qua hệ thống camera của Cục Cảnh sát giao thông.

Các quốc gia trên thế giới “tính điểm” vi phạm giao thông như thế nào?

Nhiều quốc gia áp dụng thành công cơ chế điểm phạt khi vi phạm giao thông. Ảnh: Drive
Nhiều quốc gia đã áp dụng thành công cơ chế điểm phạt khi vi phạm giao thông. Ảnh: Drive.

Tại Singapore, hệ thống điểm cải thiện lái xe (DIPS) là một hệ thống tính điểm vào hồ sơ của tài xế. Hệ thống này nhằm ngăn chặn người lái xe vi phạm luật giao thông và nếu vi phạm, họ sẽ bị đình chỉ giấy phép lái xe trong một khoảng thời gian. Nếu tài xế tích lũy 24 điểm vi phạm trong thời gian hai năm, người đó sẽ bị đình chỉ lái xe trong ba tháng. Trong đó, lỗi bị trừ điểm phổ biến nhất là lỗi chạy quá tốc độ. Ví dụ: quá tốc độ từ 1-20 km/h bị trừ 4 điểm, từ 21-30 km/h bị trừ 6 điểm... Nếu chạy quá tốc độ trên 60 km/h, tài xế sẽ bị trừ 24 điểm và bị đình chỉ lái xe.

Ngược lại, tài xế sẽ được xóa dần điểm vi phạm trước đó khỏi hồ sơ nếu họ không vi phạm bất kỳ lỗi giao thông nào trong 12 tháng kể từ ngày vi phạm giao thông gần nhất. Nếu thành tích chấp hành kéo dài 24 tháng, tất cả lần đình chỉ lái xe trước đó sẽ được xóa bỏ, đồng nghĩa với một lý lịch “trong sạch”. Thậm chí, tài xế có hồ sơ lái xe trong sạch trong thời gian 3 năm liên tục sẽ được nhận ưu đãi giảm giá khi gia hạn hợp đồng bảo hiểm ô tô.

Tại Australia, tài xế bị trừ 12 điểm sẽ bị treo bằng lái xe, buộc phải ngồi ghế phụ hoặc sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng. Những lỗi bị trừ điểm bao gồm: chạy quá tốc độ, sử dụng điện thoại khi đang lái xe... Điểm trừ sẽ tồn tại trên hồ sơ lái xe trong thời gian 3 năm kể từ ngày vi phạm.

Tương tự, tại Anh cũng áp dụng hạn mức 12 điểm phạt trong vòng 3 năm. Trong đó, lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (3 điểm), chạy quá tốc độ (3 điểm trở lên), sử dụng điện thoại khi đang lái xe (6 điểm), lái xe khi có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép (3-11 điểm). Tài xế không có cách nào xóa điểm phạt mà phải chờ sau 3 năm thì điểm phạt mới tự động được xóa. Trường hợp gây tai nạn giao thông hoặc vi phạm pháp luật, tài xế có thể bị lưu điểm phạt trong hồ sơ lâu hơn, từ 4-11 năm, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Trong khi đó, tại Mỹ, quy định tính điểm phạt vào GPLX tùy thuộc pháp luật từng tiểu bang, và không phải lỗi vi phạm nào cũng bị trừ điểm. Ví dụ, ở New York, tổng số điểm phạt dựa trên lịch sử lái xe 18 tháng gần đây nhất. Tài xế tích lũy đủ 11 điểm phạt sẽ bị đình chỉ quyền sử dụng GPLX. Tại Georgia, điểm phạt tối đa là 15 điểm trong vòng 24 tháng; còn tại Bắc Carolina là 12 điểm trong thời gian 3 năm. Hành vi vi phạm giao thông, ngoài việc phải nộp phạt, nguy cơ bị “treo” bằng lái xe, chủ xe còn bị tăng phí bảo hiểm, thậm chí hủy hợp đồng bảo hiểm ô tô trong trường hợp vi phạm quá nhiều. Ngược lại, tài xế có thể “gỡ gạc” lại số điểm đã bị phạt bằng cách tham gia các khóa học nâng cao trình độ lái xe và được cấp chứng chỉ tương ứng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con