“Có người thoát nghèo thì buồn, trở lại hộ nghèo thì vui”
Trong cùng điều kiện, hoàn cảnh nhưng có nhiều người đã vươn lên thoát nghèo được, song có người lại chỉ mong được là hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách ưu tiên. Thậm chí, có tình trạng người thoát nghèo thì buồn, mà được trở lại hộ nghèo thì vui, đại biểu Quốc hội nêu thực tế…
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về thực tiễn này tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, sáng 30/10.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng vấn đề nghèo hay không nghèo là một biến số, vì vậy, giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn.
Đại biểu dẫn chứng, một gia đình bình thường có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi một thành viên lâm bệnh nan y, phải đi điều trị với chi phí lớn. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình nghèo có thể thoát nghèo.
Như vậy, điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình mục tiêu quốc gia, hay các chính sách của Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thế chính có ý thức vươn lên.
“Trong cùng điều kiện, hoàn cảnh, khu vực, có nhiều người vươn lên thoát nghèo được, nhưng có người cứ khó khăn mãĩ và chỉ mong được là hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Đó là lý do tại sao có những người thoát nghèo thì buồn, mà được trở lại hộ nghèo thì vui bởi quan tâm đến chính sách hỗ trợ”, đại biểu Nghĩa thừa nhận và cho rằng, cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức của các đối tượng, chủ thể để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này.
Cũng theo đại biểu Nghĩa, Việt Nam không phải là nước đầu tiên thực hiện chính sách giảm nghèo, nhưng khó khăn vẫn tồn tại, tức có tiền thì tiêu rất vội, và nỗ lực giải ngân, nhưng hiệu quả đến đúng đối tượng để tạo ra được sự chuyển biến của mỗi cá nhân, gia đình, một vùng, hoặc thay đổi nhận thức tư duy, thì thước đo này vẫn còn những hạn chế nhất định.
Dẫn chứng kinh nghiệm phát triển nông thôn tại Hàn Quốc, đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia là chính những người dân. Cùng với đó là việc giao quyền tự chủ cho họ trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương. Từ đó, sẽ không còn phải loay hoay với việc “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương” nữa.
Về việc giải ngân vốn thấp, đại biểu cho rằng, đã đến lúc cân nhắc nên phân bổ vốn này về cho các địa phương một cách tổng thể, để địa phương tự suy nghĩ đầu bài phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình.
Về chỉ tiêu giáo dục, theo đại biểu cũng còn những vấn đề chưa hợp lý. Đơn cử như trong chương trình phát triển dự bị đại học, sau đại học, vốn phát triển lại phân bổ về cho địa phương, trong khi các trường đại học phần lớn thuộc các Bộ, ngành, như vậy hai nuồn này không thích hợp. Ngoài ra, việc xác định hộ nghèo ở các địa phương hiện nay cũng còn gặp khó khăn.
“Nhiều địa phương bây giờ có tình trạng hộ nghèo luân phiên, tức hoa thơm mỗi người hưởng một tý, nên có khi các cháu học sinh về quê xin xác nhận hộ nghèo để hưởng chính sách miễn, giảm học phí là quá khó khăn”, đại biểu Nghĩa nêu thực tế.
Cũng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh đến vai trò của địa phương trong thực tiễn triển khai chương trình giảm nghèo.
Theo đại biểu, thực tế địa phương nào có quan tâm, đầu tư trọng tâm, trọng điểm thì mức hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống rõ rệt hằng năm. Việc triển triển khai 6/7 dự án với 9/1 tiểu dự án được các ngành, các cấp địa phương tổ chức thực hiện đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Chương trình hỗ trợ tín dụng để thoát nghèo tăng đều qua các năm, bình quân 12 – 15%.
Tuy nhiên, qua giám sát đã phát hiện còn một số tồn tại hạn chế, đó là sự phối hợp giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; thực trạng giải ngân vốn ngân sách Trung ương và địa phương đạt thấp, dưới 50%, thậm chí có dự án đạt dưới 10% là “chuyện dài nhiều tập”, từ đó, làm ảnh hưởng tới các chính sách an ninh xã hội.
Đại biểu lưu ý, điều đáng quan tâm là nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhưng khi xuống cấp cần sửa chữa lại thì không có tiền, phải trông chờ Nhà nước, hoặc các nguồn tài trợ tiếp.
“Có tình trạng hộ nghèo, cận nghèo không muốn thoát nghèo, vì thoát nghèo thì không còn được hưởng chính sách của Nhà nước nên cứ cò cưa mãi”, đại biểu Hòa trăn trở.
Cùng với đó, việc vay vốn để phát triển sản xuất, xây dựng, sửa chữa nhà cho con em học hành, nhưng nhiều đối tượng sử dụng sai mục đích, dẫn đến không có khả năng hoàn vốn mà chỉ có nhiệm vụ đóng lãi hàng tháng, vì vậy, việc quay vòng vốn cho các đối tượng khác là điều không thể.
Theo đại biểu, việc này dẫn đến thực tế nhà nước cứ bơm vốn mãi để đảm bảo cho an sinh xã hội toàn dân là thực trạng mà các địa phương đều có xảy ra, dù mức độ nhiều hay ít.
Với những thực tế như vậy, đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị cần tuyên truyền nhận thức của các đối tượng, không trông chờ ý lại vào chính sách an sinh xã hội thì mới thoát nghèo bền vững, và hạn chế thấp nhất nguy cơ tái nghèo.