Cổ phiếu blue-chips chịu sức ép, VN-Index trồi sụt quanh 1.100 điểm
Đà tăng vẫn tiếp diễn trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần, nhưng thị trường không có “phong thái” của một phiên bùng nổ vượt đỉnh. VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 10h30 trên tham chiếu 0,68% và đến hết phiên sáng tụt nhẹ còn tăng 0,16%, dù vẫn đang đứng chân trên mốc 1.100 điểm. Nhóm cổ phiếu blue-chips tụt giá đáng kể...
Đà tăng vẫn tiếp diễn trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần, nhưng thị trường không có “phong thái” của một phiên bùng nổ vượt đỉnh. VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 10h30 trên tham chiếu 0,68% và đến hết phiên sáng tụt nhẹ còn tăng 0,16%, dù vẫn đang đứng chân trên mốc 1.100 điểm. Nhóm cổ phiếu blue-chips tụt giá đáng kể.
Thông thường khi thị trường vượt qua được một đỉnh quan trọng được kỳ vọng nhiều, giao dịch sẽ bùng nổ. Tuy vậy có thể thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ dài, nên giao dịch trở nên chậm chạp và có phần thận trọng. Độ rộng của VN-Index cũng trung tính hơn, với 208 mã tăng/162 mã giảm và cũng chỉ hơn 90 mã tăng đước quá 1%.
Diễn biến của độ rộng đáng tin cậy hơn so với chỉ số vì biên độ điểm số có thể bị ảnh hưởng từ giao dịch tại nhóm vốn hóa lớn. Vài phút trước khi VN-Index tăng đạt đỉnh, độ rộng tốt nhất ghi nhận 250 mã tăng/95 mã giảm. Rổ VN30 duy nhất CTG tham chiếu, còn lại đều tăng. Nửa sau của phiên sáng độ rộng co hẹp dần trên toàn thị trường và VN30 cũng có 12 mã giảm/14 mã tăng. VN30-Index từ chỗ tăng 0,74% đã trả lại gần hết, chốt phiên sáng chỉ còn +0,17%.
Thống kê cho thấy các blue-chips tụt giá khá nhiều. Duy nhất MSN còn đang đứng ở giá cao nhất phiên, còn lại đều đã giảm. Có 13/29 mã tụt giá quá 1% so với mức đỉnh, trong đó GAS, VPB, HPG, NVL, PDR, TPB, VIB đảo chiều từ tăng thành giảm so với tham chiếu. HPG biến động mạnh nhất, sau khi đạt đỉnh khoảng 9h48 tăng 0,69% đã lao dốc trong thời gian còn lại và chốt phiên sáng giảm 1,61%, tương đương biến động giảm tới gần 2,29%. Mã này cũng có thanh khoản lớn thứ 2 thị trường với 266,5 tỷ đồng giá trị khớp lệnh.
Trên cả sàn HoSE, có 276 cổ phiếu ghi nhận diễn biến tụt giá ở mức độ khác nhau, tương đương 78% số cổ phiếu phát sinh giao dịch sáng nay. Trong đó, 170 mã tụt từ 1% trở lên, tương đương 48% số cổ phiếu có giao dịch. Như vậy áp lực chốt lời là có, nhưng cũng không quá rộng và gây sức ép mạnh. Tuy nhiên biến động trong nhóm blue-chips VN30 đáng chú ý, nhất là khi hôm nay lại là phiên đáo hạn phái sinh.
Trong nhóm tăng giá sáng nay không có nhiều mã mạnh. Nhóm tăng vượt 2% chỉ lác đác vài cổ phiếu có thanh khoản tốt như DPG giao dịch 34,7 tỷ đồng, TTF giao dịch 10,3 tỷ, HAX giao dịch 11,2 tỷ, VRE giao dịch 25,6 tỷ, VND giao dịch 278,3 tỷ, DBC giao dịch 45 tỷ.
Thanh khoản hai sàn niêm yết giảm gần 7% phiên này, đạt 4.899 tỷ đồng, trong đó HoSE giảm 6% với 4.370 tỷ đồng. HoSE chỉ có 6 mã đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng và tổng hợp 39 mã đạt thanh khoản từ 30 tỷ đồng trở lên. Trong số 39 mã này, đại đa số là tụt giá rất nhiều, biên độ đều trên 1% so với đỉnh. Bất kể mức giá chốt phiên sáng trên hay dưới tham chiếu, biên độ dao động mạnh xuất hiện ở HSG, DIG, IDI, VCI, DXG, VIX, HPG, DPG, VND, đều đã tụt giá trên 2%.
Dĩ nhiên biến động trong phiên sáng không phải là kết quả cuối cùng vì chiều nay thị trường có thể thay đổi, nhất là khi blue-chips VN30 sẽ còn chốt kỳ hạn phái sinh tháng 1/2023. Với xu hướng tăng tích cực kể từ khi đảo kỳ hạn hôm 15/12/2022, triển vọng để F1 đáo hạn mức cao nhất kỳ hạn là hoàn toàn có thể. VN30-Index cũng đang đứng ngay tại vùng đỉnh của tháng 12/2022.
Khối ngoại sáng nay duy trì mua ròng tích cực 237,1 tỷ đồng trên sàn HoSE nhưng tổng mức giải ngân không có gì vượt trội so với sáng hôm qua, đạt 597,9 tỷ đồng. Các mã được mua ròng tốt nhất là SSI +38 tỷ, VND +38,8 tỷ, VIC +33,9 tỷ, BID +13,2 tỷ, MSN +13,1 tỷ. Phía bán ròng có HPG -21,3 tỷ, DGC -12,8 tỷ là đáng kể.