Cổ phiếu công nghệ toàn cầu lao dốc, quỹ đầu tư của SoftBank lỗ hơn 27 tỷ USD
Người sáng lập SoftBank Masayoshi Son cho biết quỹ Vision Fund sẽ chuyển sang "chế độ phòng ngự", bao gồm đưa ra các tiêu chí nghiêm ngặt hơn cho những khoản đầu tư mới và thận trọng hơn khi đầu tư mới...
Tập đoàn SoftBank ngày 13/5 báo cáo về khoản lỗ kỷ lục tại quỹ đầu tư Vision Fund khi một loạt cổ phiếu công nghệ mà quỹ này nắm giữ lao dốc mạnh thời gian qua do động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chiến dịch siết quản lý của Chính phủ Trung Quốc với các hãng công nghệ trong nước.
Cụ thể, trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2022, Vision Fund lỗ 3.500 tỷ Yên (27,4 tỷ USD). Đây là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi quỹ này ra đời vào năm 2017. “Vận đen” của Vision Fund góp phần vào khoản lỗ kỷ lục 1.700 tỷ Yên của toàn tập đoàn SoftBank. Giá cổ phiếu SoftBank giảm hơn 8% trong phiên giao dịch ngày 12/5.
Vision Fund - quỹ đầu tư mạnh vào các cổ phiếu tăng trưởng cao - là “đứa con tinh thần” của người sáng lập SoftBank, tỷ phú Masayoshi Son. Quỹ trị giá 100 tỷ USD này được xem là một công cụ để Son định vị lại SoftBank trở thành một “đế chế” đầu tư.
Tuy nhiên, thị trường tài chính toàn cầu thời gian qua biến động mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại về tình trạng lạm phát tăng cao và việc Fed tăng lãi suất. Theo đó, giới đầu tư ồ ạt rút khỏi các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao.
Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh ở Ukraine và đợt tái bùng dịch Covid-19 ở Trung Quốc, đặc biệt là việc phong tỏa tại kinh đô tài chính Thượng Hải, cũng làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và áp lực ngày càng lớn tới thị trường.
Tại sự kiện công bố kết quả kinh doanh ngày 12/5, ông Son cho biết các nhân tố này đã gây ra “sự hỗn loạn trên thế giới” và các thị trường tài chính.
Việc cổ phiếu của hãng thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang – niêm yết tại Mỹ năm ngoái - sụt gần 60% giá trị từ đầu năm nay là một trong những nguyên nhân chính cho khoản lỗ kỷ lục của Vision Fund. Bên cạnh đó, cổ phiếu của hãng dịch vụ gọi xe Singapore Grab và hãng giao hàng Mỹ Doordash là những mã giảm giá mạnh nhất trong danh mục của quỹ này.
Ngoài ra, Vision Fund cũng thực hiện bút toán giảm giá trị tài sản (write-down) đối với một số công ty chưa niêm yết mà quỹ này đang đầu tư.
“Trước những biến động mạnh như vậy, Vision Fund sẽ chuyển sang chế độ phòng ngự, bao gồm đưa ra các tiêu chí nghiêm ngặt hơn cho những khoản đầu tư mới và thận trọng hơn khi đầu tư mới”, ông Son cho biết.
Vision Fund chịu ảnh hưởng lớn trước những biến động ở Trung Quốc khi đầu tư vào hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và hãng gọi xe công nghệ Didi của nước này.
Cổ phiếu của cả hai công ty này đều lao dốc mạnh sau khi trở thành đối tượng chính của chiến dịch siết chặt quản lý của Bắc Kinh cũng như các quy định nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực công nghệ, từ bảo vệ dữ liệu cho tới chống độc quyền.
Tháng 4/2021, thời điểm thuộc năm tài chính 2021 của SoftBank, Alibaba lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với cáo buộc lợi dụng vị độc quyền để cạnh tranh không lành mạnh. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu tập đoàn này đã mất khoảng 31% giá trị.
Trong khi đó, Didi niêm yết tại Mỹ vào tháng 6 năm ngoái nhưng chỉ vài ngày sau đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã mở cuộc điều tra về an ninh mạng đối với công ty này. Từ đó đến nay, hàng loạt ứng dụng liên quan thuộc sở hữu của Dida đã bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc. Đầu tháng này, Didi cũng cho biết công ty đang bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) điều tra liên quan tới thương vụ chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) của mình.
Trước tình hình đó, ông Son cho biết các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc của Vision Fund đang giảm dần.
“Chúng tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều công ty tuyệt vời ở Trung Quốc. Với những công ty đó, chúng tôi sẽ vẫn đầu tư nhưng với quy mô nhỏ hơn”, ông nói.