Cổ phiếu đầu cơ nóng rực
Thị trường tiếp tục tăng chậm hôm nay do nhóm blue-chips yếu nhiều. Tuy nhiên tính về độ "nóng" trên cơ sở số cổ phiếu kịch trần thì đây là phiên nhiều nhất kể từ giữa tháng 9
Thị trường tiếp tục tăng chậm hôm nay do nhóm blue-chips yếu nhiều. Tuy nhiên tính về độ "nóng" trên cơ sở số cổ phiếu kịch trần thì đây là phiên nhiều nhất kể từ giữa tháng 9.
Hai sàn có 42 cổ phiếu tăng hết biên độ, trong đó 24 mã thuộc về sàn HSX. Đây cũng là số lượng kỷ lục kể từ phiên ngày 14/9/2020. Thế nhưng chỉ có 11 cổ đủ chất lượng xếp vào rổ Midcap và Smallcap.
Trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nói chung giao dịch cực nóng thì blue-chips VN30 lại kém. Rổ này chỉ có 15 mã tăng/11 mã giảm và chỉ số tăng nhẹ 0,56% so với tham chiếu. Rất ít cổ phiếu tăng đáng chú ý trong nhóm blue-chips. Đặc biệt nhóm dẫn dắt gần như kiệt sức.
VCB tham chiếu, VHM giảm 0,35%, VIC tăng 0,76%, VNM tăng 0,46%, SAB giảm 0,91%, GAS tăng 0,6%, BID tăng 0,24%, CTG tăng 0,15%, MSN tăng 0,24%. Duy nhất HPG trong Top 10 vốn hóa của VN-Index là khá hơn cả, tăng 4,39%. Chỉ riêng điều này cũng lý giải được tại sao VN-Index chỉ tăng 0,54% dù độ rộng rất tích cực: 270 mã tăng/143 mã giảm.
Nhóm Vn30 cũng không có nhiều lực kéo ở các cổ phiếu tầm trung. STB tăng 1,62%, POW tăng 5,56%, ROS tăng 2,78%, SSI tăng 2,54% là những mã duy nhất đáng chú ý.
Ngược lại, các mã đầu cơ giao dịch cực khủng hôm nay xuất hiện hàng loạt. ITA phiên này tăng hết biên độ với 32,3 triệu cổ tương đương 172,9 tỷ đồng, mức kỷ lục trong vòng 5 tháng. ASM kịch trần chạm tới đỉnh cao nhất từ giữa tháng 5/2018. FRT lập kỷ lục về thanh khoản trong lịch sử với gần 4,38 triệu cổ, tức là gần 6,4% tổng lượng lưu hành, giá cũng kịch trần. DIG chính thức đạt đỉnh cao nhất một thập kỷ với mức trần phiên này...
Độ nóng của sàn HSX cũng có thể cảm nhận qua hơn 100 cổ phiếu tăng trên 2%. Đây cũng là số lượng cổ phiếu đạt biên độ tăng mạnh cỡ này thậm chí còn nhiều hơn cả thời điểm VN-Index đạt đỉnh tháng 6 vừa qua.
Do hiện tượng chuyển vốn ra khỏi nhóm blue-chips nên tổng giá trị khớp lệnh sàn HSX hôm nay lại giảm 5% so với hôm qua dù khối lượng giao dịch tăng 2%. Đó là do giao dịch tập trung khối lượng ở các mã nhỏ nhưng thị giá các mã này lại thấp nên giá trị không lớn. Rổ VN30 giảm giá trị giao dịch hơn 7%. HPG vẫn giao dịch rất lớn, thậm chí tăng 57% về giá trị khớp so với qua, nhưng tổng nhóm VN30 vẫn giảm. Riêng HPG đã chiếm 17,1% giá trị khớp cả nhóm VN30. Điều đó có nghĩa là các blue-chips phiên này giảm thanh khoản đáng kể.
Thanh khoản cũng giảm chung trên cả hai sàn. Tổng giá trị khớp chỉ còn 9.990 tỷ đồng. Cũng phải nhấn mạnh là do giá cổ phiếu tăng rất mạnh, nhiều mã tăng trên 2% nên dù cùng khối lượng thì giá trị vẫn sẽ cao hơn. Hôm nay giá trị giảm là do khối lượng giảm nhiều hơn mức tăng giá.
Nhóm cổ phiếu dẫn dắt VN-Index đang trở nên mất phương hướng và điểm số tạo được rất ít. HPG, VIC "cống hiến" cho chỉ số này hơn 2 điểm nhưng cũng là gần một nửa mức tăng chung. Vì vậy có khả năng cao là các blue-chips sẽ không đưa được chỉ số lên cao hơn đáng kể nữa hay tăng tốc, mà chỉ đủ giữ ổn định, tạo điều kiện cho các cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là các mã đầu cơ tăng ào ạt.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng hỗ trợ thị trường rất nhiều khi lại có thêm một phiên mua ròng tốt. HSX được rót ròng khoảng 444 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu VN30 được mua ròng 321 tỷ đồng. Hôm qua nếu trừ thỏa thuận DIG thì khối này cũng vẫn mua ròng khá lớn. Như vậy đã 3 phiên dòng vốn ngoại quay lại thị trường ở mức ròng. Đây là thay đổi đáng chú ý ở thời điểm đầu tháng 12 này.
VN-Index đóng cửa đạt 1.019,8 điểm và đang tiệm cận đỉnh cao nhất 2019, đồng thời cũng gần tương đương đỉnh tháng 10/2018. Như vậy chỉ số đang có cơ hội lập đỉnh cao nhất trong vòng 30 tháng ở những phiên tới.
Nếu tính về biên độ, từ đáy tháng 7/2020 đến nay VN-Index đã tăng xấp xỉ 30%. Đây là nhịp tăng kéo dài nhất với biên độ lớn nhất mà không xuất hiện bất kỳ nhịp điều chỉnh nào lớn hơn 5%. Nhịp tăng hiện tại chỉ thua kém năm 2017.