Cổ phiếu đầu cơ tăng rực rỡ, riêng nhóm dược ngược dòng, VMD "lau sàn" sau 18 phiên kịch trần
Trái ngược với sự sôi động của toàn thị trường với hơn trăm mã tăng kịch trần, cổ phiếu VMD của Công ty CP Y Dược Vimedimex phiên hôm nay 6/9 chính thức lau sàn, trắng bên mua...
Bắt đầu từ ngày 6/9, với thị giá loanh quanh 24.000 - 25.000 đồng/cổ phiếu, VMD đã leo dốc bất ngờ trong suốt 18 phiên kịch trần liên tục. Cho đến trước khi giảm sàn phiên giao dịch hôm nay (6/9), giá cổ phiếu đã leo lên vùng 82.400/cổ phiếu, tăng 3,5 lần trong vòng một tháng.
Chốt phiên giao dịch hôm nay, VMD đang ở mức 76.700 đồng/cổ phiếu, giảm 7%. Diễn biến này đối lập với đà tăng trần liên tiếp 18 phiên trước đó.
Việc cổ phiếu VMD tăng liên tiếp đã thu hút dòng tiền đầu cơ từ nhà đầu tư, nhờ đó thanh khoản đã cải thiện đáng kể. Nếu như trong giai đoạn trước 6/8, thanh khoản mỗi phiên đì đẹt ở 7.000 - 8.000 cổ phiếu được khớp thì những phiên gần đây đảo chiều tăng vọt, với hàng trăm nghìn cổ phiếu được khớp.
Đà tăng của VMD được hỗ trợ bởi thông tin tích cực nhập khẩu vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Cụ thể, trước đó, ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Vimedimex nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam. VMD đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners của các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Thông qua Thỏa thuận nguyên tắc, Group 42 đã ủy quyền cho VMD là đơn vị nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam và là cơ sở đề nghị, đứng tên nộp hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin Covid-19 Hayat-Vax, được sản xuất tại UAE đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Công ty Royal Strategics Partners đã đồng ý bán và ký Hợp đồng nhập khẩu với VMD 10 triệu liều vắc xin Covid-19 Janssen, 5 triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer, 10 triệu liều vắc xin Covid 19 Sputnik V. Các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ y tế xin cấp phép nhập khẩu, theo lịch dự kiến đơn hàng đầu tiên về Việt Nam vào cuối tháng 8 nếu được cấp phép.
Tuy nhiên, đến nay đã hết tháng 8, bước sang tháng 9 gần một tuần nhưng thông tin nhập khẩu vaccine của VMD vẫn "bặt âm vô tín".
Không riêng gì cổ phiếu VMD, sau 2 tuần làm mưa làm gió trên thị trường thì cổ phiếu nhóm dược gần như cũng hết vị khi đồng loạt giảm vào phiên đầu tuần. Cổ phiếu DBT của Dược phẩm Bến Tre giảm 10% sau khi đạt đỉnh vào ngày 31/8; DP1 của Dược phẩm Trung ương CPC1 cũng giảm 9% sau khi đạt đỉnh vào ngày 31/8. Tương tự, CDP của Dược phẩm Codupha cũng giảm 17%, IMP của Dược Imexpharm giảm 9% Một số cổ phiếu “ăn theo” thông tin nhập khẩu vaccine như TRA của Traphaco cũng giảm 11%; DHG giảm 3%…
Thực tế cho thấy, sóng cổ phiếu ngành dược thường diễn biến theo “sớm nở tối tàn”, không kéo dài được bao lâu. Trước đó, vào thời điểm tháng 6/2021, nhiều cổ phiếu ngành dược “nổi loạn” nhờ thông tin 36 đơn vị được Bộ Y tế cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine. Hàng loạt mã cổ phiếu đã nhắc ở trên đồng loạt tăng trần. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, cổ phiếu nhóm này cũng quay đầu đổ đèo như diễn biễn ở thời điểm hiện tại.