Cổ phiếu Goldman Sachs khiến Dow Jones “bay” gần 400 điểm, giá dầu vẫn tăng nhờ lạc quan về Trung Quốc
Gây áp lực lớn nhất lên Dow Jones phiên này là việc cổ phiếu Goldman Sachs “bốc hơi” 6,44% giá trị sau khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh không đạt dự báo...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (17/1), khi các chỉ số không giữ được đà tăng của những phiên đầu năm trong lúc nhà đầu tư nghiền ngẫm những kết quả kinh doanh mới nhất. Giá dầu thô duy trì xu hướng tăng nhờ lạc quan về nhu cầu tiêu thụ năng lượng khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 391,76 điểm, tương đương giảm 1,14%, còn 33.910,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2%, còn 3.990,97 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,14%, còn 11.09511 điểm.
Gây áp lực lớn nhất lên Dow Jones phiên này là việc cổ phiếu Goldman Sachs “bốc hơi” 6,44% giá trị sau khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh không đạt dự báo với chênh lệch lớn chưa từng thấy trong 1 thập kỷ. Tình hình ảm đạm trong quý 4 của Goldman Sachs chịu áp lực từ sự suy giảm trong doanh thu ở mảng ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản.
Ngược lại, một đối thủ của Goldman Sachs là Morgan Stanley công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo, một phần nhừo doanh thu kỷ lục của bộ phận quản lý gia sản. Cổ phiếu Morgan Stanley chốt phiên với mức tăng 5,91%.
Hôm thứ Sáu tuần trước, loạt ngân hàng lớn khác của Mỹ gồm JPMorgan Chase và Citigroup đã công bố báo cáo tài chính quý 4 với những con số tốt, xấu đan xen.
“Goldman Sachs và Morgan Stanley đã có ảnh hưởng trái ngược lên diễn biến thị trường sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 4. Ngay trong lĩnh vực tài chính, mỗi nhánh hoạt động đã có kết quả rất khác nhau. Mảng quản lý gia sản của Morgan Stanley đã giữ vai trò trụ cột quan trọng”, chiến lược gia trưởng Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management nhận định.
“Những khác biệt này là dấu hiệu về những gì chúng ta có thể kỳ vọng trong mùa báo cáo tài chính này. Đó là sự khác biệt về kết quả thành từng nhóm ngành và phân nhóm ngành”, ông Ma nói thêm.
Tính đến buổi sáng ngày 17/1, đã có khoảng 7% số doanh nghiệp trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý 4, theo dữ liệu từ FactSet. Trong đó, 70% đưa ra kết quả vượt dự báo.
Sau hai tuần tăng liên tiếp - một sự khởi đầu không tệ cho năm 2023 - chứng khoán Mỹ đã chứng kiến sự trở lại của sắc đỏ trong phiên đầu tuần này. Hôm thứ Hai, thị trường đóng cửa nghỉ lễ tưởng niệm Martin Luther King.
Chiến lược gia trưởng Mike Wilson của Morgan Stanley nhận định diễn biến của giá cổ phiếu ở Phố Wall trong những phiên tới có thể có sự phân cực lớn. “Xu thế tăng của thị trường từ đầu năm đến nay chủ yếu được dẫn dắt bởi những cổ phiếu chất lượng thấp và đã bị bán khống nhiều từ trước. Tuy nhiên, thị trường cũng đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ từ cổ phiếu chu kỳ sang cổ phiếu phòng thủ. Sự dịch chuyển đó đặc biệt thuyết phục nhà đầu tư rằng họ đang bỏ lỡ một thứ gì đó và phải điều chỉnh lại vị thế”, ông Wilson nhận định.
“Thực lòng mà nói, đây là một sự dịch chuyển lớn, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) rất hay lừa dối mọi người trước khi thực sự kết thúc. Chúng tôi không dễ bị ‘sập bẫy’ bởi sự tăng điểm giả tạo này vì công việc và quy trình của chúng tôi vẫn phản ánh một cách thuyết phục rằng đây vẫn là thị trường đầu cơ giá xuống. Chúng tôi tin là như vậy”, vị chiến lược gia nói thêm.
Dù vậy, từ đầu năm đến nay, Nasdaq đã tăng hơn 6% nhờ việc nhà đầu tư gom mua những cổ phiếu công nghệ đã bị bán mạnh trước đó với hy vọng ngày càng lớn rằng triển vọng của cổ phiếu tăng trưởng đang khởi sắc. Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cũng đã tăng tương ứng 3,95% và 2,3% từ đầu năm.
Xu thế tăng này diễn ra trong bối các các số liệu kinh tế gần đây cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục xuống thang - diễn biến mà nhà đầu tư xem như dấu hiệu về sự giảm tốc của nền kinh tế. Họ hy vọng việc này sẽ là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,1% so với tháng 11, nhưng vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,46 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, chốt ở 85,92 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,32 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 80,18 USD/thùng.
Giá dầu đã giằng co trong phiên giao dịch và cuối cùng chốt phiên trong trạng thái tăng sau khi Trung Quốc công bố số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 cho thấy sự giảm tốc mạnh nhưng vẫn tốt hơn dự báo. Cả năm, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng 3%, so với mức dự báo tăng 2,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Giới đầu tư cũng hy vọng rằng sự dịch chuyển gần đây trong chính sách chống Covid của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
“Trung Quốc đã cố gắng để có dữ liệu kinh tế tốt nhất có thể. Những con số lẽ ra có thể tồi tệ hơn”, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của Mizuho, ông Bob Yawger nhận định.
Tuy nhiên, số liệu của Mỹ cho thấy hoạt động sản xuất ở bang New York sụt giảm mạnh trong tháng 1 do lượng đơn hàng sụt giảm và tăng trưởng việc làm chững lại. Kỳ vọng cho sự khởi sắc trong 6 tháng nữa cũng ở mức thấp. Đây là kết quả từ một cuộc khảo sát được chi nhánh tại New York của Fed công bố ngày thứ Ba.
“Câu hỏi đặt ra lúc này là Fed sẽ phản ứng như thế nào với các số liệu kinh tế tốt xấu đan xen”, chuyên gia John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.
Phiên này, đồng USD tiếp tục hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng USD. Bạc xanh đã giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên ngày thứ Ba do nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sắp có động thái dịch chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt.
Một báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ tăng 510.000 thùng/ngày trong năm nay. OPEC giữ nguyên tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 ở mức 2,22 triẹu thùng/ngày.