Cổ phiếu lớn ép chỉ số, thị trường phân hóa, tiền đổ vào nhóm bất động sản, chứng khoán
VN-Index “vật vờ” đi ngang với biên độ hẹp trong phiên sáng nay, nhưng thị trường không vì thế mà kém sôi động. Thanh khoản hai sàn tăng 29% so với sáng hôm qua và độ rộng vẫn phân hóa cho thấy chỉ số không phản ánh hết được giao dịch. Đặc biệt nhóm bất động sản tiếp tục thu hút dòng tiền khi hầu hết các mã thanh khoản cao nhất thị trường thuộc nhóm này...
VN-Index “vật vờ” đi ngang với biên độ hẹp trong phiên sáng nay, nhưng thị trường không vì thế mà kém sôi động. Thanh khoản hai sàn tăng 29% so với sáng hôm qua và độ rộng vẫn phân hóa cho thấy chỉ số không phản ánh hết được giao dịch. Đặc biệt nhóm bất động sản tiếp tục thu hút dòng tiền khi hầu hết các mã thanh khoản cao nhất thị trường thuộc nhóm này.
Chỉ số đại diện sàn HoSE cao nhất lên 1.115,47 điểm, tăng hơn 5 điểm so với tham chiếu và giảm xấp xỉ 1 điểm nửa đầu phiên nhưng chốt phiên sáng VN-Index rơi xuống mức thấp nhất, giảm 1,12 điểm. Biên độ dao động như vậy là rất hẹp.
Nguyên nhân chính khiến chỉ số lình xình là giá biến động quá nhỏ ở nhóm trụ. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index, có 6 mã giảm là VCB giảm 0,69%, BID giảm 0,8%, GAS giảm 0,38%, VIC giảm 0,94%, HPG giảm 0,18%, VPB giảm 0,51%. 3 mã tăng yếu là VHM tăng 0,26%, CTG tăng 0,17% và FPT tăng 0,87%, cộng thêm VNM tham chiếu.
VN30-Index đnag giảm 0,26% với 7 mã tăng/18 mã giảm nhưng cũng chỉ có 2 mã rơi hơn 1% là SSB giảm 1,3% và MWG giảm 2,08%. Ảnh hưởng của 2 mã này khá nhẹ lên VN-Index, dù MWG khiến VN30 mất khoảng 0,9 điểm.
Việc các blue-chips suy yếu không phải là diễn biến gì mới mẻ, khi dòng tiền vào nhóm này đã tụt dốc từ đầu tuần. Sáng nay VN30 chỉ khớp được hơn 1.770 tỷ đồng, giảm 10% so với sáng hôm qua trong khi tổng khớp sàn HoSE lại tăng gần 32%, đạt trên 7.952 tỷ đồng.
Thanh khoản gia tăng là nhờ dòng tiền tập trung hơn vào nhóm Midcap. Cổ phiếu bất động sản, chứng khoán trong rổ Midcap khá nhiều là yếu tố đặc thù. Toàn sàn HoSE sáng nay có 21 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì 15 mã thuộc rổ Midcap. Các mã tăng giá tốt với thanh khoản cao là DXG tăng 3,95% với 479,4 tỷ; DIG tăng 1,35% với 402,7 tỷ; GEX tăng 2,69% với 475,6 tỷ; DGC tăng 1,79% với 277,2 tỷ; VCG tăng 1,48% với 174,3 tỷ; CII tăng 1,43% với 170,8 tỷ, VCI tăng 0,95% với 157,4 tỷ…
Cũng trong 21 cổ phiếu thanh khoản cao nhất nói trên, chỉ 8 mã giảm giá, còn lại là tăng. Tuy chỉ 21 mã, nhưng thanh khoản nhóm này chiếm gần 64% tổng giá trị khớp của sàn HoSE. Như vậy dòng tiền vẫn có mức độ tập trung tốt và tạo hiệu ứng giá tăng là chủ đạo. Dĩ nhiên với tổng thể thị trường, số lượng các cổ phiếu nhiều hơn nên mật độ giá tăng cũng giảm xuống. Tuy nhiên nếu quan tâm tới yếu tố thanh khoản, các cổ phiếu giao dịch quá ít thì giá cũng sẽ không đủ độ tin cậy. Ngược lại, các mã thanh khoản cao nhất là nơi tập trung lượng vốn “dày” nhất và cung cầu hiệu quả nhất.
Độ rộng tổng thể của VN-Index thời điểm chốt phiên sáng phản ánh sự giằng co với 195 mã tăng/240 mã giảm. Biên độ ở cổ phiếu là rất hẹp, khi chỉ có 42/240 mã giảm quá 1% và 58/195 mã tăng trên 1%. Nhưng từ góc độ tập trung thanh khoản, giao dịch ở nhóm tăng trên 1% chiếm 41,6% sàn và giao dịch ở nhóm giảm trên 1% chỉ chiếm 5,8%.
Chiều nay thị trường sẽ đón nhận đợt cổ phiếu bắt đáy giá thấp nhất hôm 20/11 về tài khoản. Lượng cổ phiếu này có lợi thế nhiều hơn so với giao dịch hôm bán tháo ngày 17/11. Do đó áp lực chốt lời có thể xuất hiện. Từ khoảng 1h0h30 sáng nay trở đi, lực bán hạ giá đã bắt đầu nhiều hơn và tác động đến giá. Cụ thể, lúc VN-Index đạt đỉnh, độ rộng ghi nhận 261 mã tăng/145 mã giảm, nhưng đến 11h còn 240 mã tăng/179 mã giảm và cuối phiên sáng là 195 mã tăng/240 mã giảm. Cả trăm cổ phiếu đã đổi màu giá trong nhịp bán ép xuống cuối phiên.
Khối ngoại sáng nay giao dịch nhỏ dù vẫn bán ròng 112,5 tỷ đồng trên HoSE. Tổng giá trị bán đạt 431,4 tỷ đồng, giảm 29% so với sáng hôm qua. Chỉ có vài mã bị bán đáng kể là VRE -25,1 tỷ, VHM -24,6 tỷ, chứng chỉ quỹ FUEVFVND -22,4 tỷ. Phía mua nhiều nhất là NKG cũng chưa tới 12 tỷ đồng. Hiện vốn từ nhà đầu tư trong nước đang hoàn toàn làm chủ thị trường khi vốn ngoại mua chỉ chiếm 3,6% sàn HoSE và bán chiếm 4,9%.